Hiến pháp mới của Cuba tái khẳng định con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội

Ngày 10/4, Quốc hội Cuba đã thông qua bản Hiến pháp mới, trong đó tái khẳng định mục tiêu theo đuổi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz Canel (trái) và Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro (giữa) tại lễ công bố Hiến pháp mới ở La Habana, Cuba, ngày 10/4/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz Canel (trái) và Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro (giữa) tại lễ công bố Hiến pháp mới ở La Habana, Cuba, ngày 10/4/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là bản Hiến pháp thứ 2 của Cuba kể từ khi Cách mạng thành công năm 1959, tiếp sau Hiến pháp 1976 hiện hành, mới được bổ sung sửa đổi hai lần vào các năm 1992 và 2002.

Hiến pháp mới đã được 589 nghị sĩ tham dự phiên họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội thông qua. Cuộc họp do Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro chủ trì và có sự tham dự của Chủ tịch Cuba.

Trước đó, dự thảo Hiến pháp mới của Cuba đã được hơn 6,8 triệu cử tri Cuba thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức ngày 24/2 vừa qua. 

Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel nhận định dự văn bản luật tối cao mới này là "một Hiến pháp hiện đại, định hình một Nhà nước Xã hội chủ nghĩa pháp quyền, cho phép khơi thông các tiến trình cần thiết và tiến bước dứt khoát hơn trong quá trình xây dựng mô hình kinh tế - xã hội". Ông nhấn mạnh Hiến pháp mới đảm bảo tất cả các quyền cho mọi người dân Cuba và đề cao nhân phẩm.

Hiến pháp mới của Cuba bao gồm một phần mở đầu và 229 điều, được chia vào 11 mục, 24 chương và 16 phần. Bên cạnh việc tái khẳng định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, cùng việc duy trì nền tảng cơ bản của mô hình kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa, Hiến pháp mới đưa ra nhiều thay đổi quan trọng như xác định rõ hơn vai trò của Đảng Cộng sản, tuyên bố tính chất pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Cuba, ấn định tính tối thượng của Hiến pháp trong hệ thống tư pháp, định ra các chức danh lãnh đạo mới cùng các quy định về nhiệm kỳ và giới hạn tuổi bổ nhiệm, trao thêm quyền tự chủ cho các đơn vị hành chính địa phương, đặc biệt là cấp quận huyện, mở rộng và hiến định thêm nhiều quyền của công dân, công nhận những thành phần kinh tế mới và đề ra cơ chế tự chủ cho các doanh nghiệp nhà nước, hay nâng lên tầm hiến định nhiều nguyên tắc của Cách mạng Cuba.

Ngoài ra, văn bản "Đại hiến chương" này cũng công nhận các quyền sở hữu tài sản và tự do kinh doanh của các nhà đầu tư, trong đó có cả các nhà đầu tư nước ngoài.