Hiệu quả 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội

(PLVN) - Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020, công tác giáo dục, đào tạo trong toàn quân đã có nhiều đổi mới, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng, từng bước hòa nhập với hệ thống giáo dục, đào tạo quốc gia. 
Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tham quan các sản phẩm nghiên cứu khoa học của Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tham quan các sản phẩm nghiên cứu khoa học của Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Đột phá về giáo dục - đào tạo

10 năm qua, hệ thống nhà trường Quân đội được quy hoạch theo hướng tinh, gọn, ổn định về tổ chức biên chế, nhiệm vụ. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý tiếp tục được kiện toàn, cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm chất lượng theo hướng chuẩn hóa. Công tác bồi dưỡng giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được triển khai tích cực, sát với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ. 

Chương trình, nội dung, phương pháp dạy học từng bước được đổi mới theo hướng hiện đại, khoa học, sát với thực tế, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, nhất là hệ thống thao trường, bãi tập tiếp tục được đầu tư nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng dạy học. 

Do đó, chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có nhiều chuyển biến tiến bộ, vượt xa so với những năm đầu thực hiện Chiến lược. Cơ sở vật chất, vũ khí trang bị, giáo trình tài liệu được đầu tư đáp ứng ngày càng tốt hơn. Việc đổi mới nội dung, chương trình; đổi mới phương pháp dạy học; phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Chất lượng học viên ra trường đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang trong tình hình mới.

Kết quả, 10 năm qua, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã đào tạo và cung cấp cho Quân đội 101 Tiến sĩ, 3.905 Thạc sĩ, 9.169 kỹ sư và 1.203 cử nhân cao đẳng cho đất nước; đào tạo 13 Thạc sĩ, 66 kỹ sư cho nước bạn Lào; 7 Thạc sĩ, 104 kỹ sư cho nước bạn Campuchia.

Cùng với đó là hoạt động nâng cao chất lượng, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tính đến nay, toàn Học viện có 1.233 cán bộ, giảng viên, trong đó gồm: 9 Giáo sư chiếm 0,73%; 78 Phó giáo sư chiếm 6,3%; 442 Tiến sĩ chiếm 35,84%; 518 Thạc sĩ chiếm 42,01%; 269 đại học chiếm 21,81%...

Tại Học viện Chính trị, qua 10 năm thực hiện chiến lược, Học viện đã tổ chức mở 3 lớp bồi dưỡng cao cấp lý luận chính trị (lớp A17, A18, A19) cho 58 cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược. Kết quả tốt nghiệp 100% đạt giỏi và xuất sắc, trong đó có 55,2% xuất sắc. Sau tốt nghiệp, trên các cương vị công tác, các học viên đã tham mưu có hiệu quả cho Đảng, Nhà nước, quân đội về công tác quân sự, quốc phòng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 

Học viện đã tổ chức đào tạo cán bộ chính trị cấp trung đoàn, đào tạo chính ủy cấp trung, sư đoàn binh chủng hợp thành cho 2.091 học viên; giảng viên khoa học xã hội nhân văn quân sự (văn bằng 2) 1.035 học viên; đào tạo ngắn hạn 4.046 học viên và hoàn thiện đại học cán bộ chính trị cấp trung đoàn 2.033 học viên. Kết quả tốt nghiệp có 97,42% đạt khá và giỏi, trong đó có 5,38% đạt giỏi.

Cùng với nhiệm vụ đào tạo trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ cho cán bộ quân đội, Học viện Chính trị đã chủ động triển khai xây dựng thực hiện đề án tuyển sinh đào tạo sau đại học hệ dân sự. 

Từ năm 2011 đến nay, nhà trường đã tổ chức đào tạo sau đại học hệ dân sự được 7 khóa. Hiện tại, Học viện đang đào tạo 9 chuyên ngành Thạc sĩ và 8 chuyên ngành Tiến sĩ, đã tổ chức đào tạo cao học cho 3.590 học viên, 373 nghiên cứu sinh. Chất lượng đào tạo sau đại học tại Học viện ngày càng được nâng cao. Kết quả học tập của học viên cao học và nghiên cứu sinh hệ quân sự có hơn 93% đạt khá, giỏi; hơn 80% hệ dân sự đạt khá, giỏi…

Xây dựng mô hình nhà trường thông minh giai đoạn 2020 - 2030

Tuy nhiên, so với yêu cầu, mục tiêu của Chiến lược, việc thực hiện tại một số nhà trường còn những hạn chế, bất cập. Một số chương trình, nội dung đào tạo chưa cập nhật, bổ sung kịp thời những phát triển mới về phương thức, thủ đoạn tác chiến, vũ khí trang bị.

Phương pháp giảng dạy của một số nhà trường chậm được đổi mới, hiện đại hóa, chưa phát huy tinh thần tự học và tư duy sáng tạo của người học. Một số giáo viên chưa đáp ứng trình độ học vấn, kinh nghiệm thực tiễn, nghiệp vụ sư phạm, nhất là kiến thức về ngoại ngữ. Công tác rèn luyện, nâng cao thể lực, sức bền, khả năng thích ứng với thực tiễn trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt của chiến tranh còn hạn chế v.v…

Theo Đề án, mục tiêu của các trường Quân đội là phấn đấu đến năm 2020 có 100% giảng viên các học viện, trường sĩ quan, trường đại học có trình độ đại học, trong đó trên 60% có trình độ sau đại học (có 25% trở lên là tiến sĩ), 100% giảng viên giảng dạy đại học có trình độ sau đại học; 90% giáo viên các trường cao đẳng, trung cấp, trường quân sự quân khu, quân đoàn có trình độ đại học, trong đó có 25% sau đại học nhưng nhiều trường chưa đạt được mục tiêu. 

Đại tá Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội phấn đấu xây dựng nhà trường thông minh giai đoạn đầu với 3 trụ cột.

Đó là đột phá xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có phẩm chất, trình độ, năng lực, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, kiến tạo; Huy động mọi nguồn lực, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) theo hướng nhà trường thông minh; Chủ động hội nhập quốc tế về GD-ĐT, thích ứng với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật, báo chí truyền thông trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.

Các nhà trường tại Quân khu 2 định hướng xây dựng kế hoạch kiện toàn, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2020-2030, phấn đấu 100% giáo viên có trình độ đại học, 30-40% có trình độ sau đại học; khai thác có hiệu quả nguồn ngân sách, đầu tư trang thiết bị đào tạo gắn với mô hình “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng khoa học 4.0”.

Trung tướng Nguyễn Công Định, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự khẳng định, với những giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng đào tạo, chủ động, Học viện xây dựng trường theo định hướng đại học nghiên cứu. Tập trung xây dựng, hoàn thiện nội dung chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học phù hợp với thực tiễn, mở rộng các ngành, loại hình đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội. 

Nhà trường quan tâm nâng cao trình độ ngoại ngữ cho các đối tượng, đẩy mạnh đổi mới công tác khảo thí, đảm bảo chất lượng. Chú trọng đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học-công nghệ, nghiên cứu khoa học ở cả đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên, sinh viên. Chủ động mở rộng quy mô, hiệu quả hợp tác quốc tế.

Tăng cường xây dựng tiềm lực, đầu tư xây dựng các cơ sở kỹ thuật hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của Học viện, từng bước xây dựng Học viện Kỹ thuật Quân sự hoạt động theo mô hình nhà trường thông minh.

Đọc thêm