Hiệu quả trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Hải Dương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nếu trước kia, việc cấp phép khai thác khoáng sản chủ yếu dựa trên cơ chế “xin - cho” thì nay thông qua đấu giá, các DN có cơ hội cạnh tranh công bằng, hạn chế độc quyền trong khai thác và phát huy tối đa giá trị tiềm năng các mỏ khoáng sản.
Ngày 01/4/2023, tỉnh Hải Dương tổ chức đấu giá thành công QKTKS với 2 mỏ. (Ảnh: Hoàng Giang)
Ngày 01/4/2023, tỉnh Hải Dương tổ chức đấu giá thành công QKTKS với 2 mỏ. (Ảnh: Hoàng Giang)

Tăng thu ngân sách hàng trăm tỷ đồng

Luật Khoáng sản 2010 đã có quy định về nguyên tắc, việc cấp giấy phép khai khoáng phải thực hiện trên cơ sở đấu giá quyền khai thác khoáng sản (QKTKS).

Năm 2012, Chính phủ có Nghị định 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Năm 2014, Thông tư liên tịch số 54 hướng dẫn đấu giá QKTKS được Bộ TN&MT và Tài chính ban hành.

Nếu trước kia, việc cấp phép khai khoáng chủ yếu dựa trên cơ chế “xin - cho”; số tiền thu về ngân sách chủ yếu dựa vào khai báo của DN; thì nay việc đấu giá QKTKS đã giúp tăng cường công tác quản lý về hoạt động khoáng sản, đồng thời tăng thu ngân sách.

Thông qua hoạt động đấu giá, chọn được những tổ chức, cá nhân có tiềm lực về tài chính, năng lực quản lý, có công nghệ hiện đại tham gia vào hoạt động khai khoáng. Các DN có cơ hội cạnh tranh công bằng, hạn chế tối đa độc quyền trong khai khoáng.

Đầu tháng 4/2023, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức đấu giá QKTKS lần đầu tiên với mỏ đất, đá làm vật liệu san lấp tại đồi Hang Hổ (thuộc phường Hoàng Tiến) và mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) tại đồi Trại Mét và đồi Trại Quan (phường Bến Tắm, cùng TP Chí Linh).

Tháng 7/2023, tỉnh tổ chức đấu giá thành công với 3 mỏ: Mỏ khoáng sản đất, đá làm VLXDTT tại núi Trại Tường (phường Phả Lại); mỏ đất, đá làm vật liệu san lấp tại đồi Ông Sao (phường Hoàng Tân, phường Bến Tắm); mỏ đất, đá làm VLXDTT tại đồi Đại Bộ, phường Hoàng Tân và xã Bắc An (cùng TP Chí Linh).

Kết quả trúng đấu giá cao hơn giá khởi điểm từ 900 triệu đồng đến hơn 70 tỷ đồng, gấp từ hơn 1 lần đến 30 lần so với giá khởi điểm.

Theo tính toán của Sở TN&MT, khi các DN trúng đấu giá khai khoáng 5 mỏ này sẽ thu về ngân sách trên 300 tỷ đồng; tăng thu cho ngân sách hơn 150 tỷ đồng so với hoạt động cấp quyền khai thác như trước kia.

Việc đấu giá, không chỉ Nhà nước được lợi, mà các DN khai khoáng cũng rất đồng thuận. Ông Bùi Thanh An (đại diện Cty CP Xây dựng & Thương mại Phượng Hoàng, là DN trúng đấu giá tại mỏ đất Đồi ông Sao) nói: “Thông qua đấu giá, năng lực của các DN được khẳng định công khai, minh bạch. Đồng thời dần xóa bỏ cơ chế “xin - cho” tồn tại nhiều năm. Đến nay các thủ tục đang đúng tiến độ, đặc biệt những thủ tục liên quan Sở TN&MT, chúng tôi đều được hỗ trợ nhanh chóng. Dự kiến đầu quý IV năm 2024, DN có thể bắt đầu khai thác”.

Ông Trần Tuấn Dương (Giám đốc Cty CP Bình Minh HD 68, đơn vị trúng đấu giá mỏ đất đá làm VLXDTT tại đồi Trại Mét và đồi Trại Quan) chia sẻ: “Nhu cầu thì ngày càng nhiều mà tài nguyên ngày càng cạn kiện quý hiếm, nên cần sự công khai, minh bạch trong việc khai thác sử dụng. Tôi nghĩ việc đấu giá QKTKS là xu thế tất yếu”.

Một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn

Bên cạnh việc mang lại nhiều hiệu quả tích cực, công tác đấu giá QKTKS cũng được các DN góp ý cần một số sửa đổi cho phù hợp. Là đơn vị vừa trúng đấu giá QKTKS tại mỏ đất 7,6ha với giá hơn 2,9 tỷ đồng, nhưng đại diện Cty Phượng Hoàng còn băn khoăn: Khi trúng đấu giá, DN chỉ nhận được quyết định công nhận kết quả đấu giá. Sau đó Cty phải tự thỏa thuận giải phóng mặt bằng (GPMB) thì mới được giao đất cho thuê đất. Việc GPMB giao toàn bộ cho Cty mà không có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng sẽ mất rất nhiều thời gian, giá thành có thể bị đội lên cao. Chưa kể trong trường hợp không GPMB được, thì có hủy kết quả đấu giá và trả cọc cho DN hay không?

“Từ khi trúng đấu giá đến khi được cấp phép khai khoáng, DN phải qua rất nhiều thủ tục như môi trường, đất đai, đầu tư, xây dựng… liên quan nhiều sở, ban, ngành. Nếu các cơ quan phối hợp không đồng bộ hoặc có vướng mắc phát sinh thì có thể kéo dài 2 - 3 năm hoặc lâu hơn nữa. Mà chậm ngày nào DN chịu thiệt ngày đó”, đại diện Cty nói.

Một mỏ đất đã được đấu giá thành năm 2023. (Ảnh: Hoàng Giang)

Một mỏ đất đã được đấu giá thành năm 2023. (Ảnh: Hoàng Giang)

Với những mỏ chưa được đánh giá trữ lượng, DN còn nhiều trăn trở hơn nữa. Đại diện Cty Bình Minh HD 68, trúng đấu giá mỏ đất, đá diện tích 24ha, cho rằng: “Đấu giá QKTKS với mỏ chưa đánh giá được trữ lượng, DN phải chịu nhiều rủi ro. Sau khi trúng đấu giá, DN tự phải bỏ chi phí thăm dò. Nếu kết quả trữ lượng cao hơn so với trữ lượng ước tính ban đầu thì DN trả thêm tiền, nhưng nếu thấp hơn thì lại phải trả như trữ lượng ước tính. Chưa kể có thể xảy ra trường hợp loại khoáng sản, trữ lượng không đủ thực hiện dự án thì mất cả chi phí thăm dò, làm thủ tục”.

Thủ tục lựa chọn đơn vị thực hiện đấu giá QKTKS cũng còn vấn đề, theo đại diện Cty Bình Minh HD 68: “Do cách tính thang điểm ưu tiên đơn vị có kinh nghiệm nên một số Cty đấu giá của tính không đủ điều kiện để tổ chức. Khi chúng tôi tham gia đấu giá hồi tháng 4, đơn vị tổ chức đấu giá là của tỉnh khác. Nên việc mua hồ sơ, niêm yết, hay địa điểm đấu giá cũng có một số bất tiện”.

Đồng ý quan điểm trên, ông Nguyễn Thế Thắng, Giám đốc Cty Đấu giá hợp danh số 1 Thắng Lợi (trụ sở TP Hải Dương) chia sẻ: Với cách cách tính thang điểm như hiện nay, một số Cty đấu giá lâu năm nhưng lại chưa có kinh nghiệm QKTKS sẽ hầu như không có cơ hội tham gia.

Ông Nguyễn Trác Trung, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hải Dương thông tin: “Hiệu quả công tác đấu giá QKTKS đã được ghi nhận trên thực tế. Năm 2024, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức đấu giá khoảng 5 mỏ. Trước mắt đầu năm, sẽ đấu giá 1 mỏ có trữ lượng khoảng 5 triệu m3. Năm 2024, dự kiến địa phương cung cấp được khoảng 30 triệu tấn vật liệu san lấp, cơ bản phục vụ nhu cầu trên địa bàn”.

Với những điều một số DN trăn trở, ông Trung phân tích: “Dù Luật Khoáng sản đã có từ hơn 10 năm trước, nhưng đấu giá QKTKS vẫn là một chính sách mới, khi triển khai không tránh khỏi còn tồn tại, bất cập, một số quy định chưa phù hợp thực tiễn. Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá triển khai hiệu quả dự án theo đúng tiến độ, đạt hiệu quả. Sở sẽ hỗ trợ các DN trúng đấu giá sớm hoàn thiện thủ tục để được cấp phép. Sở cũng sẽ sớm hoàn thành thủ tục đóng cửa với những mỏ còn lại để đánh giá trữ lượng và sớm đưa vào kế hoạch đấu giá của tỉnh”.

Nhu cầu vật liệu san lấp rất lớn

Hiện nay, tỉnh Hải Dương đang thực hiện hàng loạt dự án công trình giao thông trọng điểm nên nhu cầu vật liệu san lấp là rất lớn. Theo thống kê chưa đầy đủ của BQL Dự án Đầu tư xây dựng cơ bản, nhu cầu san lấp từ nay đến 2030 trên địa bàn khoảng 8 triệu m3 vật liệu san lấp, với các công trình do BQL tổ chức thi công. Nhu cầu san lấp trên địa bàn toàn tỉnh ước khoảng 200 triệu m3. Trên địa bàn tỉnh hiện có 65 khu mỏ, trong đó 2 mỏ là mới đề xuất, còn lại 63 mỏ cũ.

Từ năm 2020 - 2021, tỉnh Hải Dương đã rà soát và thống nhất đóng cửa một loạt các mỏ. Theo Sở TN&MT, từ cuối 2021 đến nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ra 30 quyết định đóng cửa mỏ hoặc phê duyệt đề án đóng cửa mỏ.

Với nhu cầu như hiện nay, Sở ước tính, với 5 mỏ đã đấu giá xong và các mỏ sẽ đấu giá trong năm tới, thì năm 2024 có thể cung cấp ra thị trường khoảng 30 triệu m3 đất đồi, cát. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có nguồn xỉ thải của Cty điện lực có thể làm vật liệu san lấp. Mỗi năm nhà máy này cung cấp khoảng 1,2 triệu tấn. Từ 2 nguồn cung này, cơ bản đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp của của địa phương.

Đọc thêm