Hải Dương tăng cường đấu giá quyền khai thác khoáng sản - Bài 1: Đấu giá thành công 5 mỏ, thu ngân sách trên 300 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Nếu trước kia, việc cấp phép khai thác khoáng sản chủ yếu dựa trên cơ chế “xin – cho” thì nay thông qua đấu giá, các doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh công bằng, hạn chế độc quyền trong khai thác và phát huy tối đa giá trị tiềm năng của khoáng sản.
Mỏ đất, đá tại đồi Trại Mét và đồi Trại Quan là 1 trong 5 mỏ tỉnh Hải Dương đã đấu giá thành công
Mỏ đất, đá tại đồi Trại Mét và đồi Trại Quan là 1 trong 5 mỏ tỉnh Hải Dương đã đấu giá thành công

Tăng thu cho ngân sách hơn 150 tỷ đồng

Luật Khoáng sản năm 2010 đã có quy định về nguyên tắc, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản phải thực hiện trên cơ sở đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Bên cạnh đó, năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22 quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Sau đó, Thông tư 54 /2014 hướng dẫn về đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Bộ Tài chính ban hành.

Trước kia việc cấp phép khai thác khoáng sản chủ yếu dựa trên cơ chế “xin – cho”; số tiền thu về ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản chủ yếu dựa vào khai báo của các doanh nghiệp. Thì nay, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản được triển khai đã giúp tăng cường công tác quản lý khoáng sản, đồng thời tăng thu ngân sách Nhà nước. Thông qua hoạt động đấu giá, cơ quan chức năng lựa chọn được những tổ chức, cá nhân có tiềm lực về tài chính, năng lực về quản lý, có công nghệ hiện đại tham gia vào hoạt động khai thác.

Cũng thông qua đấu giá, các doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh công bằng, hạn chế tối đa độc quyền trong khai thác khoáng sản.

Nhiều địa phương trong cả nước đã phê duyệt kế hoạch đấu giá và đấu giá thành công nhiều mỏ khoáng sản, mang lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách Nhà nước.

Tại Hải Dương, đầu tháng 4/2023, UBND tỉnh tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản lần đầu tiên đối với với 2 mỏ khoáng sản: Mỏ đất, đá làm vật liệu san lấp tại đồi Hang Hổ (thuộc phường Hoàng Tiến) và mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại đồi Trại Mét và đồi Trại Quan (phường Bến Tắm, cùng thuộc TP Chí Linh).

Tháng 7/2023, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức đấu giá thành công đối với 3 mỏ: Mỏ khoáng sản đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại núi Trại Tường (phường Phả Lại); mỏ đất, đá làm vật liệu san lấp tại đồi Ông Sao thuộc (phường Hoàng Tân, phường Bến Tắm) và mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại đồi Đại Bộ (phường Hoàng Tân và xã Bắc An, cùng ở TP Chí Linh).

Kết quả trúng đấu giá cao hơn giá khởi điểm từ 900 triệu đồng đến hơn 70 tỷ đồng, gấp từ hơn 1 lần đến 30 lần so với giá khởi điểm.

Theo tính toán sơ bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, khi các doanh nghiệp trúng đấu giá khai thác khoáng sản 5 mỏ này sẽ thu về cho ngân sách trên 300 tỷ đồng; tăng thu cho ngân sách Nhà nước khoảng hơn 150 tỷ đồng so với hoạt động cấp quyền khai thác như trước kia.

Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản giúp tăng ngân sách Nhà nước và các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cũng rất đồng thuận với chính sách này. Ông Bùi Thanh An- Kế toán trưởng Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại Phượng Hoàng, doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại mỏ đất Đồi ông Sao phường Hoàng Tân (phường Bến Tắm, TP Chí Linh) đánh giá: "Thông qua đấu giá năng lực của các doanh nghiệp như chúng tôi được khẳng định một cách công khai, minh bạch. Đồng thời sẽ dần dần xóa bỏ được cơ chế “xin - cho” trong tồn tại bao nhiêu năm qua...

Mỏ đang ở giai đoạn thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Hiện nay cơ bản các thủ tục đang đúng tiến độ, đặc biệt những thủ tục liên quan đến sở TN&MT chúng tôi đều được hỗ trợ nhanh chóng. Dự kiến nếu thuận lợi đến cuối quý III đầu quý IV năm 2024 chúng tôi có thể bắt đầu khai thác”.

Ông Trần Tuấn Dương, Giám đốc công ty cổ phần Bình Minh HD 68 đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại đồi Trại Mét và đồi Trại Quan (phường Bến Tắm, cùng TP Chí Linh) chia sẻ: "Nhu cầu thì ngày càng nhiều mà tài nguyên ngày càng cạn kiệt và quý hiếm hơn. Do đó cần sự công khai minh bạch trong việc khai thác và sử dụng chúng. Tôi nghĩ việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản là xu thế tất yếu, doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị sớm sẽ nắm được phần chủ động hơn".

Nhu cầu vật liệu san lấp rất lớn

Tỉnh Hải Dương đang thực hiện 1 loạt các dự án công trình giao thông trọng điểm nên nhu cầu vật liệu san lấp là rất lớn. Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Quản lý dự án đầu tư Xây dựng cơ bản của tỉnh Hải Dương, từ nay đến năm 2030 trên địa bàn, các công trình do ban quản lý tổ chức thi công cần khoảng 8 triệu m3 vật liệu san lấp. Nhu cầu san lấp trên địa bàn toàn tỉnh, tính cả khối công và khối tư nói chung, ước cần khoảng 200 triệu m3. Nguồn cung từ đâu để giải quyết nhu cầu “khổng lồ” đó là một bài toán khó.

Ngày 1/4/2023, UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức đấu giá thành công quyền khai thác khoáng sản lần đầu tiên đối với 2 mỏ khoáng sản

Ngày 1/4/2023, UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức đấu giá thành công quyền khai thác khoáng sản lần đầu tiên đối với 2 mỏ khoáng sản

Thực tế, trên địa bàn toàn tỉnh Hải Dương hiện có 65 khu mỏ. Song chỉ có 2 mỏ là mới đề xuất, còn lại 63 mỏ cũ. Trong đó, các mỏ cũ hầu hết đã được cấp phép khai thác không đấu giá ở giai đoạn trước.

Để thực hiện cho hoạt động đấu giá sau này đối với các mỏ cũ, từ năm 2020-2021, tỉnh Hải Dương đã rà soát và thống nhất đóng cửa một loạt các mỏ.

Cụ thể, từ cuối năm 2021 đến nay, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 30 quyết định đóng cửa mỏ hoặc quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ. Cụ thể có 12 quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ và 18 quyết định đóng cửa mỏ.

Với nhu cầu vật liệu san lấp rất lớn như hiện nay, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương ước tính, với 5 mỏ đã đấu giá xong và 3-4 mỏ sẽ đấu giá trong năm tới, năm 2024 có thể cung cấp ra thị trường khoảng 30 triệu m3 đất đồi và cát. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn có nguồn xỉ thải của Công ty TNHH Điện lực Jack Hải Dương ở thị xã Kinh Môn, theo quy định có thể làm vật liệu san lấp. Mỗi năm nhà máy này có thể cung cấp khoảng 1,2 triệu tấn/năm. Hai nguồn cung cố định này cơ bản sẽ đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp của của địa phương.

Tuy nhiên, đó là con số ước tính. Vì sau khi đóng cửa xong thì các mỏ mới được đánh giá lại trữ lượng để đưa ra đấu giá. Do đó tiến trình đấu giá phụ thuộc rất nhiều vào thời gian hoàn tất việc đóng cửa số mỏ nói trên. Đồng thời từ khi đấu giá thành công đến khi doanh nghiệp được phép cấp khai thác và đưa khoáng sản ra thị trường cũng là khoảng thời gian rất dài, với nhiều thủ tục phức tạp.

Bài 2: Những vướng mắc cần tháo gỡ

Đọc thêm