Hiệu quả từ Hội thi Báo cáo viên giỏi của BTL Thủ đô

 Hôm qua (21/7), tại Sư đoàn bộ binh 301 đã diễn ra vòng chung khảo Hội thi Báo cáo viên giỏi 2011 do Bộ Tư lệnh (BTL) Thủ đô Hà Nội tổ chức, 12 trong tổng số 295 thí sinh dự thi đã lọt vào vòng chung kết. Cuộc thi cho thấy sự nỗ lực hết mình của các thí sinh và cũng cho thấy việc tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên của lực lượng vũ trang Thủ đô được thực hiện rất hiệu quả.

Hôm qua (21/7), tại Sư đoàn bộ binh 301 đã diễn ra vòng chung khảo Hội thi Báo cáo viên giỏi 2011 do Bộ Tư lệnh (BTL) Thủ đô Hà Nội tổ chức, 12 trong tổng số 295 thí sinh dự thi đã lọt vào vòng chung kết. Cuộc thi cho thấy sự nỗ lực hết mình của các thí sinh và cũng cho thấy việc tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên của lực lượng vũ trang Thủ đô được thực hiện rất hiệu quả.

Báo cáo viên là những người làm công tác tuyên truyền miệng. Tuyên truyền miệng là phương thức được tiến hành bằng lời nói trực tiếp, có nhiều ưu thế, có sức lan toả nhanh, phù hợp với từng nhóm đối tượng, không hạn chế nội dung mà các loại hình tuyên truyền khác không thực hiện được và có thể nhận biết ngay hiệu quả tác động của thông tin đến đối tượng tuyên truyền.

Thí sinh Nguyễn Ngọc Thạch - Trung tá, giáo viên Trường Quân sự BTL Thủ đô Hà Nội trao đổi với phóng viên về ý tưởng đề cương của mình
Thí sinh Nguyễn Ngọc Thạch - Trung tá, giáo viên Trường Quân sự BTL Thủ đô Hà Nội trao đổi với phóng viên về ý tưởng đề cương của mình.

Bằng lời nói, nghệ thuật sử dụng ngôn từ, nội dung tuyên truyền miệng dù theo chủ đề nào, cũng đặt ra không chỉ mục đích thông tin mà quan trọng hơn là mục đích tác động về mặt tư tưởng (hình thành niềm tin, cổ vũ con người). Cho nên, nội dung bài nói của báo cáo viên phải đạt tới yêu cầu định hướng thông tin, định hướng tư tưởng về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về các sự kiện chính trị trọng đại trong nước và trên thế giới, từ đó chủ động giải thích cho người nghe nhận thức đúng hơn, sâu hơn, tạo dựng được niềm tin và hành động tích cực đối với người nghe.

Trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, tuyên truyền miệng là kênh thông tin chính thống giúp thông báo kịp thời, có định hướng những vấn đề thời sự quan trọng trong nước và thế giới, chuyển tải những thông tin nội bộ mà vì lý do nào đó không thể đưa trên các phương tiện thông tin đại chúng, giải thích cho nhân dân hiểu rõ thông tin, trên cơ sở đó định hướng dư luận xã hội, góp phần tạo ra sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.

Các chủ đề của Hội thi năm nay bao gồm: những nội dung cơ bản về cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020, báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, kết quả thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Theo qui định, thí sinh phải thực hiện 3 phần thi: soạn đề cương; thuyết trình nội dung theo đề cương; thi vấn đáp các nội dung về kiến thức, kỹ năng báo cáo viên và tuyên truyền miệng. Để làm được điều đó, các báo cáo viên cần phải có khả năng nắm bắt chủ đề Hội thi một cách sâu sắc, có khả năng liên hệ thực tế sinh động, nhất là gắn với tình hình thực tế ở địa phương mình.  Thứ hai, kiến thức xã hội của báo cáo viên phải thật vững, khả năng tổng hợp vấn đề cao, không nên nói những gì làm người nghe cảm thấy “sáo”, tránh “bệnh áp đặt” hay đưa ra những dẫn chứng không chính xác, nhất là dẫn chứng lịch sử.  Nói và viết có những yêu cầu về kỹ năng khác nhau, do đó, báo cáo viên cần trau dồi khả năng diễn đạt qua lời nói, kỹ năng nói. Nói sao cho khúc triết, mạch lạc, giọng nói phải truyền cảm. 

Có thể thấy, lọt vào vòng chung khảo Hội thi không chỉ có những cán bộ chính trị - những người được đánh giá là chuyên nghiệp, có bề dày trong công tác tuyên truyền mà có nhiều thí sinh công tác ở nhiều ngành, nghề khác nhau. Họ là những người làm công việc hết sức bình thường, trình độ văn hóa không cao. Họ không chỉ tham gia tuyên truyền cho bộ đội mà còn tuyên truyền cho nhân dân. Điều đó cho thấy sự nỗ lực hết mình của các thí sinh và cũng cho thấy việc tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên của lực lượng vũ trang Thủ đô được thực hiện rất hiệu quả.

Trong 12 thí sinh có hai thí sinh là nữ. Chị Hà Diệu Thư là dân quân, hiện chị là Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự Thị trấn Văn Điển (thuộc lực lượng vũ trang huyện Thanh Trì). Chị Lê Thị Thanh Hải là nhân viên Trường Trung cấp Nghề số 10. Thượng úy CN Hoàng Văn Đông là quân y sĩ Trung đoàn pháo binh 452. Thiếu tá CN Phạm Dương Chung là Trung đội trưởng Đại đội trưởng sửa chữa tổng hợp, Cục Kỹ thuật…

Các thí sinh tham gia Hội thi do được chuẩn bị kỹ lưỡng nên đã xây dựng được nhiều đề cương có nội dung phong phú, biết khai thác và vận dụng tốt các nội dung mới trong văn kiện của Đảng để làm nổi bật chủ đề tuyên truyền; phương pháp diễn thuyết tuyên truyền sinh động, truyền cảm, lôi cuốn; biết vận dụng tốt lý luận với thực tiễn đặc biệt là liên hệ bản thân và tình hình cụ thể tại đơn vị…

Trong thời điểm hiện nay, các đợt học tập Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XI được tổ chức ở mọi địa phương, cơ quan, đơn vị do đó, các báo cáo viên có nhiệm vụ lớn lao, góp phần qua tuyên truyền đưa Nghị quyết của Đảng đến được với cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân. Công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên hiện nay là phải hướng đến quần chúng nhân dân, phục vụ quần chúng nhân dân theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tuyên truyền: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân biết, dân hiểu, dân theo, dân làm. Nếu không đạt mục đích đó là tuyên truyền thất bại”.

Vì vậy, hơn ai hết, mỗi báo cáo viên cũng nên tự biết mình cần làm gì để truyền tải nội dung nghị quyết đến với người học (người nghe) tốt nhất, hiệu quả nhất, nâng cao chất lượng báo cáo viên, tạo sự hấp dẫn và hứng thú cho các lớp học. 

17h hôm qua (21/7), Ban Tổ chức đã công bố kết quả Hội thi. Sư đoàn bộ binh 301 có 3 cá nhân đoạt giải. Kết quả, Thiếu úy Nguyễn Bá Chiến- Chính trị viên Đại đội, Trung đoàn bộ binh 692, Sư đoàn 301 đoạt Giải Nhất. 3 thí sinh đoạt giải Nhì gồm Lê Thị Thanh Hải-Nhân viên Trường Trung cấp Nghề số 10; Hà Diệu Thư-Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự Thị trấn Văn Điển(thuộc lực lượng vũ trang huyện Thanh Trì) và Đại úy Lại Đức Mạnh-Chính trị viên phó Tiểu đoàn bộ binh 4, Trung đoàn 692, Sư đoàn 301. 3 thí sinh đoạt giải Ba gồm Phạm Dương Chung-Trung đội trưởng Đại đội trưởng sửa chữa tổng hợp, Cục Kỹ thuật; Thiếu tá Nguyễn Quang Linh-Trợ lý tuyên huấn Ban CHQS huyện Thanh Trì và Đại úy Trịnh Đình Đông-Trợ lý tuyên huấn Phòng Chính trị Sư đoàn 301.

Lam Hạnh

Đọc thêm