Hiệu quả từ những buổi diễn án trực tuyến

(PLVN) - Với phương pháp đào tạo lấy người học làm trung tâm và đảm bảo an toàn cho học viên và giảng viên trong thời điểm đại dịch COVID-19 vẫn phức tạp, Học viện Tư pháp nói chung và Khoa Đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư nói riêng đã thực hiện được mục tiêu đào tạo “học thật, thi thật, nhân tài thật”,“học đi đôi với hành”...
Hiệu quả từ những buổi diễn án trực tuyến

Trong các ngày 11,12/9/2021, Khoa Đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đã tổ chức cho các lớp đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư khóa 4 thực hiện các buổi diễn án trực tuyến.

Trước tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp, thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19, Lãnh đạo Học viện Tư pháp đã chủ trương đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, áp dụng phương thức trực tuyến vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và các hoạt động khác của Học viện.

Trong các ngày 11,12/9/2021, Khoa Đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đã tổ chức cho các lớp đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư khóa 4 thực hiện các buổi diễn án trực tuyến với sự hướng dẫn của ThS. Lê Thị Hồng Hạnh – Kiểm sát viên TC, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội,

Các vai diễn trong buổi diễn án như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa, Nguyên đơn, Bị đơn, Người làm chứng… đều được các học viên chuẩn bị chu đáo, cẩn thận và “nhập vai” đúng trình tự của phiên tòa. Những tình huống phát sinh được Chủ tọa phiên tòa, Kiểm sát viên, Luật sư xử lý, giải quyết một cách chính xác, kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt theo đúng quy định của BLTTDS năm 2015.

Thông qua phiên tòa giả định, các học viên đã tìm hiểu quá trình xét xử các vụ án: Tranh chấp Chia thừa kế, Tranh chấp Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng… theo trình tự sơ thẩm. Mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ nhưng trước khi tham gia buổi diễn án trực tuyến, các học viên đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, ứng dụng kiến thức đã học vào các vai diễn. Từ đó giúp cho các học viên nhận thức được hoạt động nghề nghiệp của các chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư không riêng biệt, độc lập mà luôn có mối liên hệ mật thiết, gắn bó với nhau tạo thành một thể thống nhất. Đồng thời diễn án trực tuyến còn giúp cho các học viên phát huy được tính chủ động, tư duy độc lập, sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề chuyên môn.

Các học viên không những được trau dồi kiến thức, được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, được ứng dụng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp đã học vào thực tế, mà còn khơi dậy nguồn cảm hứng và lòng yêu nghề thực hiện mơ ước trở thành Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư trong tương lai.

Có thể nói, với phương pháp đào tạo lấy người học làm trung tâm và đảm bảo an toàn cho học viên và giảng viên trong thời điểm đại dịch COVID-19 vẫn phức tạp, Học viện Tư pháp nói chung và Khoa Đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư nói riêng đã thực hiện được mục tiêu đào tạo “học thật, thi thật, nhân tài thật”,“học đi đôi với hành”. Sự thành công của các phiên tòa diễn án trực tuyến đã khẳng định sự lãnh đạo đúng hướng của Đảng ủy, của Ban giám đốc Học viện Tư pháp, của Khoa Đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư trong đào tạo và bồi dưỡng các chức danh tư pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cũng như mở rộng quy mô đào tạo, nghiên cứu khoa học và đóng góp thiết thực vào quá trình cải cách tư pháp, đáp ứng được nhu cầu của thực tế và yêu cầu phát triển của đất nước.

Ngày 2/9/2021, TAND Tối cao cho biết đã hoàn thiện dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến để trình Uỷ ban Thường vụ xem xét. Đây là hình thức xét xử không bắt buộc bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải có mặt tập trung tại một phòng xử án nhưng bảo đảm họ theo dõi và tham gia vào cùng một thời điểm.

Tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tới hoạt động của ngành tòa án. Nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể xét xử; một số vụ bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị cáo đang ở hoặc bị giam trong vùng có dịch... TAND Tối cao cho rằng phiên tòa, phiên họp trực tuyến sẽ giải quyết những việc này, phù hợp với xu thế toàn cầu và cam kết của Việt Nam khi tham gia Hội đồng chánh án Châu Á, ASEAN.

Trước đó, ngày 26/8, tại Phiên họp thứ 13 Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là tất yếu, cần thiết trong bối cảnh COVID-19 đang đe dọa nghiêm trọng đời sống nhân dân. Chủ tịch nước yêu cầu xét xử trực tuyến phải bảo đảm hiệu quả, bảo mật nhưng không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đương sự...

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm