Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ là biện pháp cưỡng chế được áp dụng nhiều nhất và có hiệu quả nhất và áp dụng chủ yếu đối với loại tài sản có giá trị lớn như quyền sử dụng đất, nhà ở, ngoài ra có trường hợp là phương tiện giao thông, thiết bị, máy móc sản xuất…
Như tại Bắc Giang, ngay từ những ngày đầu năm công tác, Chi cục THADS thành phố Bắc Giang đã xây dựng Kế hoạch cưỡng chế, trình Ban Chỉ đạo THADS thành phố phê duyệt và tổ chức thực hiện đối với một số vụ việc đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản.
Trên cơ sở văn bản chỉ đạo phối hợp tổ chức cưỡng chế của Trưởng Ban chỉ đạo, Chi cục đã phối hợp với các cơ quan liên quan của thành phố và UBND các phường, xã tổ chức giao tài sản thành công, vận động người phải thi hành án tự nguyện thực hiện xong nghĩa vụ trước khi tổ chức cưỡng chế. Kết thúc việc cưỡng chế, Chi cục đã tổ chức rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả với Ban Chỉ đạo THADS thành phố, Cục THADS tỉnh theo quy định. Việc tổ chức thành công kế hoạch cưỡng chế thi hành án đã góp phần nâng cao tỷ lệ thi hành án xong về việc và tiền của đơn vị ngay từ những tháng đầu năm 2020. Tương tự, một số Chi cục THADS trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức cưỡng chế thành công giao tài sản cho người trúng đấu giá.
Ngoài ra, đối với các vụ việc THADS phức tạp, kéo dài cũng được các cơ quan THADS áp dụng biện pháp cưỡng chế hiệu quả để thi hành dứt điểm. Như tại Quảng Bình, Chi cục THADS huyện Lệ Thủy đã phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành có liên quan tiến hành cưỡng chế, bàn giao hiện trạng cho người được thi hành án theo quy định.
Theo nội dung quyết định của bản án, vợ chồng ông T có trách nhiệm tháo dỡ, di dời các tài sản nằm trên đất của vợ chồng ông H. Quá trình tổ chức thi hành, Chi cục THADS đã nhiều lần động viên, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành, mời hai bên đương sự đến để thoả thuận, hòa giải nhưng không có kết quả. Mặt khác trong quá trình giải quyết vụ việc, người phải thi hành án cố tình không chấp hành, có hành vi chống đối, cản trở, đe dọa những người tổ chức thi hành án.
Trong quá trình cưỡng chế, dù đã kiên trì giải thích, tuyên truyền các quy định của pháp luật, vận động đương sự tự nguyện thi hành án nhưng vẫn không có kết quả. Do đó Hội đồng cưỡng chế đã tiến hành tháo dỡ, kiểm đếm và di dời các tài sản của ông T nằm trên phần đất của ông H ra khỏi vị trí đất tranh chấp đồng thời yêu cầu ông T nhận và bảo quản số tài sản trên. Do vợ chồng ông T không nhận nên số tài sản trên đã được đưa về bảo quản tại kho của Chi cục THADS để xử lý theo quy định.
Qua thực tế nêu trên, có thể thấy công tác cưỡng chế thi hành án đã được nhiều địa phương áp dụng hiệu quả, góp phần thúc đẩy tiến độ giải quyết việc thi hành án, tạo niềm tin cho nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần ổn định tình hình trật tự trị an xã hội.
Tuy nhiên tỷ lệ việc cưỡng chế trên số việc có điều kiện thi hành án hiện nay còn rất thấp; thời gian Chấp hành viên động viên, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân làm cho số việc có điều kiện thi hành án tồn đọng nhiều.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp cưỡng chế, các cơ quan THADS cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, động viên thuyết phục bằng nhiều hình thức trước và ngay tại chỗ khi thực hiện cưỡng chế thi hành án đối với người phải thi hành án và nhân dân. Với những vụ khó khăn phức tạp cần tranh thủ sự động viên, thuyết phục của các cấp lãnh đạo, của người thân thích, có uy tín đối với người phải thi hành án và gia đình họ. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp trong cưỡng chế THADS để đảm bảo công tác này diễn ra đúng quy định, thuận lợi và an toàn.