160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Trước đây, gia đình ông Đoàn Ngọc Khuyên, thôn Cẩm Thủy, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, TP Hà Nội chủ yếu nuôi cá theo phương thức truyền thống.
Việc chăn nuôi vất vả nhưng năng suất, chất lượng không cao, có thời điểm cá bị chết hàng loạt, thất thoát hàng trăm triệu đồng…
Từ năm 2015, ông Khuyên bắt tay vào đầu tư máy móc, học hỏi kinh nghiệm chuyển từ nuôi truyền thống sang công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn đầu ra, ông Khuyên phải phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, có nhật ký ghi chép đầy đủ các thông tin, bao gồm từ vào giống đến chăm sóc, thu hoạch.
Hàng tháng ông đều lấy mẫu nước ao đưa đi phân tích, để có biện pháp điều chỉnh xử lý cho phù hợp. Để phòng bệnh cho cá, mỗi tháng, ông dùng các chế phẩm vi sinh xử lý môi trường nuôi, làm sạch nguồn nước và chuyển hóa các chất thải, thức ăn thừa thành phù du có lợi cho cá từ 4-6 lần. Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên bổ sung các loại vitamin, tỏi trộn lẫn với thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.
Sau hơn 6 năm, ông Khuyên nhận thấy việc nuôi cá theo quy trình VietGAP có nhiều ưu điểm hơn so với cách nuôi truyền thống, như có thể theo dõi, quản lý được suốt quy trình nuôi, giảm thiểu được rủi ro dịch bệnh, cải thiện môi trường.
Đặc biệt, việc nuôi cá công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Cùng một diện tích ao nhưng khi nuôi cá công nghệ cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất tăng gấp đôi, giúp ông thu về hơn 1 tỷ đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội, hơn hai năm qua, dù gặp quá nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng ngành chăn nuôi của Hà Nội vẫn có bước phát triển ổn định, đảm bảo nguồn thực phẩm cho người dân Thủ đô.
Đàn gia súc gia cầm hiện vẫn đứng tốp đầu cả nước, đặc biệt về chất lượng tiếp tục có bước cải thiện đáng kể. Trên địa bàn TP có 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 6.515 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ; 190 ngàn hộ chăn nuôi.
Để có được kết quả trên, phần lớn nhờ vào lộ trình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi trên địa bàn TP, bao gồm từ con giống, trang thiết bị, kỹ thuật chăn nuôi, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Thống kê cho thấy, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi.
TP đang có 09 doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản, sơ chế - tiêu thụ nông sản như Jafa, CP, Dabaco, CJ Việt Nam, Minh Long, Công ty Giống gia súc Hà Nội... đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đến nay, 100% các sản phẩm chăn nuôi từ các trang trại lớn, quy mô công nghiệp đều có hàm lượng công nghệ cao do các trang trại chăn nuôi lợn, gà, trâu bò đều có ứng dụng ít nhất một biện pháp kỹ thuật công nghệ cao hoặc sản phẩm của công nghệ cao trong quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm; nhiều chuỗi sản xuất sơ chế, tiêu thụ áp dụng công nghệ cao trong quản lý chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Một số mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong sản xuất nông nghiệp của TP như Công ty Cổ phần giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh); Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội; HTX Hoàng Long, HTX Hòa Mỹ, HTX chăn nuôi và tiêu thụ Gà đồi Ba Vì, Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ, Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Vinh Anh Công ty Jafa, Công ty CP, Công ty Dabaco, Công ty CJ Việt Nam ...
Phấn đấu thu nhập từ sản xuất chăn nuôi tăng tối thiểu 4-5%/năm
Hiện nay, TP Hà Nội với trên 10 triệu dân bình quân tiêu thụ một ngày khoảng 800 - 900 tấn động vật và sản phẩm động vật, trong đó thịt bò Hà Nội mới đáp ứng khoảng trên 20%, thịt lợn trên 90%, sữa khoàng 30%, số còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài và các tỉnh.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn là nơi giao thoa, trung tâm thương mại lớn của cả nước trong đó có việc tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật. Đây chính là cơ hội để chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao phát triển nhanh, mạnh, bền vững trên địa bàn TP thời gian tới.
Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, cần tiếp tục rà soát, đề xuất các quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tích hợp vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của TP.
Cùng với đó, cần xác định vùng sản xuất chuyên canh có lợi thế; đảm bảo quỹ đất ổn định để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp. Tổ chức tập trung ruộng, tích tụ ruộng đất, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách hiện có về hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm công nghệ cao; thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để đề nghị Trung ương và HĐND TP sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu và hoàn thiện những nội dung không còn phù hợp.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 275/KH-UBND về hành động thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn TP. Kế hoạch nêu rõ, TP sẽ phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045 đạt mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi; đồng thời khuyến khích chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thông theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn.
Đẩy mạnh việc xây dựng và hình thành các vùng chăn nuôi tập trung đáp ứng các tiêu chí chăn nuôi công nghiệp hiện đại, chăn nuôi liên kết, chăn nuôi tuần hoàn, chăn nuôi gắn liền với hoạt động giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, an toàn sinh học gắn với du lịch sinh thái, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng lộ trình dừng, chấm dứt chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn TP.
Thúc đẩy hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn TP và các tỉnh trên cả nước. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các sản phẩm đặc thù vùng miền có giá trị dinh dưỡng cao, an toàn thực phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Luật Chăn nuôi và chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững và hội nhập quốc tế. Nâng cao tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi.
Nâng cao tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi được giết mổ tập trung công nghiệp, chế biến, chế biến sâu đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh, tiến tới xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
TP Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2022-2030 sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm 70% giá trị sản xuất chăn nuôi toàn TP; tốc độ, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng trung bình 4,5-5,5%/năm; thu nhập từ sản xuất chăn nuôi tăng tối thiểu 4-5%/năm.
Đến năm 2030, hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm gia súc, gia cầm tại các vùng xa trung tâm Thủ đô; 70% sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội được sản xuất theo các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết.
Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối để xây dựng các chuỗi khép kín và chuỗi liên kết, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi bằng các dây chuyền công nghiệp, bán công nghiệp hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về tầm nhìn đến năm 2045, TP sẽ phát triển chăn nuôi trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, giết mổ, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu có 80% sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết.