Trong 2 ngày (26-27/9) tại Cần Thơ, Hội nghị “Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)” sẽ diễn ra, dự kiến thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu các cơ quan bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu và nhiều tổ chức trong nước, quốc tế.
Đây là hội nghị lớn nhất về BĐKH tại vùng Tây Nam bộ, là sự kiện lớn về phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH lần đầu tiên được tổ chức ở ĐBSCL do Thủ tướng Chính phủ chủ trì nhằm hiệu triệu các tư tưởng “đột phá” giúp Chính phủ Việt Nam và các địa phương trong vùng tìm ra giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến 2100.
Sụt giảm sản lượng lúa gạo do BĐKH
Đó là cảnh báo của các chuyên gia đối với ĐBSCL - nơi sản xuất hơn 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu, 52% sản lượng thủy sản và 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 75% sản lượng trái cây cả nước.
Theo kết quả nghiên cứu của các tổ chức trên thế giới cho thấy, dự báo nhiệt độ trung bình đến năm 2030 của ĐBSCL sẽ đạt mức 35-37 độ C so với 33-35 độ C trong những năm 1980; số ngày nắng trong năm tăng lên 180-240 ngày so với trên dưới 120 ngày của những năm 1980...
Thực tế, tình hình lũ lụt, xâm nhập mặn cũng thay đổi, bất thường, lượng phù sa từ thượng nguồn sông Mê kông về ĐBSCL ít hơn, dòng chảy thay đổi, xói lở bờ biển, bờ sông diễn ra thường xuyên hơn… đang là những biểu hiện rõ rệt về những nguy cơ đe dọa của BĐKH đối với sự phát triển bền vững của vùng đồng bằng vốn là “vựa lúa”, “vựa trái cây” lớn nhất nước này.
Dự báo sản lượng lúa gạo ở ĐBSCL sẽ giảm từ 6 - 12% vì ngập lụt và xâm nhập mặn, trong khi đó sản xuất nuôi trồng thủy hải sản cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, chưa kể đến những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, nhất là người nghèo ở đây khi thiếu nguồn nước ngọt, đời sống bị đảo lộn do các hiện tượng thiên tai bất thường, cường độ mạnh...
PGS.TS. Nguyễn Trung Việt (Trường Ðại học Thuỷ lợi) cho biết, theo thống kê gần đây, mỗi năm ÐBSCL bị mất tới gần 500 ha đất do sạt lở. Có những khu vực trước đây là vùng đất bồi nhưng giờ đây lại trở nên lở và lở rất nghiêm trọng như vùng biển Tây, cách đây 15 năm bồi là chính, nhưng hiện nay có 5 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm buộc tỉnh Cà Mau phải ban hành giải pháp hộ đê khẩn cấp. Số liệu thống kê của Viện Quy hoạch thuỷ lợi Miền Nam cũng phản ánh hiện tượng sạt lở đã và đang xảy ra ngày một nghiêm trọng ở hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu, nhất là vào khoảng thời gian đầu và cuối của mùa mưa lũ.
Tại Hội thảo quốc tế “Hạ tầng nước và các thách thức trong biến đổi khí hậu” ngày 19/11/2014, do Dự án “Biến đổi khí hậu và cấp nước ở Đồng bằng sông Cửu Long và TP HCM” phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ và UBND TP Cần Thơ tổ chức tại TP Cần Thơ, chuyên gia của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã đưa ra kịch bản BĐKH tại ĐBSCL, khi mực nước biển dâng cao như dự báo đến năm 2030, khoảng 45% diện tích của vùng ĐBSCL đối mặt với nguy cơ nhiễm mặn. Năng suất lúa giảm 9%. Hệ thống nước ngọt bị đảo lộn làm hệ thống sản xuất, sản lượng lương thực, vườn cây ăn trái, thủy sản nước ngọt bị tổn thất lớn.
Đến năm 2100, nếu mực nước biển dâng cao 1m và không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu thì có khoảng 40% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập sâu trong nước. Dưới tác động của BĐKH, vai trò là vựa lúa của cả nước, nguồn đóng góp quan trọng cho tổng kim ngạch xuất khẩu và ngân sách nhà nước, an ninh lương thực quốc gia mà ĐBSCL đang đảm nhiệm sẽ chịu thách thức nghiêm trọng. Một số ngành kinh tế truyền thống bị đe dọa. Ngoài ra, nó ảnh hưởng không nhỏ đến ngành công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải làm tăng nguy cơ ngập sâu các tuyến giao thông trọng điểm, tăng diện tích ngập lụt và thách thức trong tiêu thoát nước, xử lý nước thải nhiễm bẩn từ các khu công nghiệp và các đô thị lớn trong vùng.
Ứng phó BĐKH để phát triển bền vững
Ngày 20/9, trong buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) với lãnh đạo UBND TP Cần Thơ về công tác chuẩn bị tổ chức “Hội nghị chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH”, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho biết, Hội nghị được tổ chức xuất phát từ nhu cầu cấp bách ứng phó với BĐKH, nhằm cụ thể và hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc ứng phó với BĐKH.
Hội nghị này nhằm tập hợp trí tuệ, phát huy sáng kiến, xem xét một cách tổng thể, toàn diện, thu hút tối đa các nguồn lực, định hướng được mô hình phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL, chủ động trước những biến đổi không thể đảo ngược của tự nhiên. Qua đó, huy động sự hỗ trợ Chính phủ và xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn, nhằm phát triển bền vững vùng đồng bằng này với tầm nhìn đến năm 2100. Trong đó sẽ tập trung vào các vấn đề như: Quy hoạch ĐBSCL về nguồn nước và thủy lợi, giao thông, xây dựng. Đồng thời thảo luận về cơ chế điều phối hiệu quả cho việc thực hiện các hoạt động có quy mô lớn, mang tính chất liên vùng và liên ngành.
Tại Hội nghị này, ngày đầu dành cho các phiên thảo luận chuyên đề nhằm nhận định tình hình chiến lược phát triển, nhu cầu và giải pháp về nguồn lực và ngày tiếp theo dành cho Phiên họp toàn thể do Thủ tướng Chính phủ chủ trì nhằm thảo luận và đưa ra các quyết định của Thủ tướng Chính phủ để các bộ, ngành và địa phương thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ sẽ lắng nghe các báo cáo chuyên đề và ý kiến thảo luận rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tác quốc tế, các doanh nghiệp... Trên cơ sở đó Thủ tướng Chính phủ sẽ đưa ra những kết luận về định hình chuyển đổi lớn cho mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH và xem xét ban hành Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH với quy mô toàn vùng.
Thông qua Hội nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn sẽ xem xét một cách toàn diện, hệ thống, huy động được các sáng kiến, nhằm tạo ra những “đột phá” trong tư duy, thống nhất hành động của toàn xã hội nhằm định hình mô hình phát triển bền vững của ĐBSCL trong sự liên kết, gắn kết hữu cơ giữa tự nhiên và con người, giữa các địa phương trong và ngoài vùng, tiểu vùng sông Mê Kông. Đồng thời, huy động được sự hỗ trợ về kinh nghiệm, nguồn lực… của các tổ chức quốc tế và các đối tác góp phần phát triển bền vững cho toàn vùng. Căn cứ vào kết quả hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, xác định các giải pháp chiến lược chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến năm 2100.
Như vậy, Hội nghị chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH “có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển vùng ĐBSCL trong giai đoạn mới vì mô hình chuyển đổi, phát triển vùng ĐBSCL thành công sẽ là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu triển khai ở các vùng khác trên cả nước và thế giới” - Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc một lần nữa nhấn mạnh.
Trước đây, tại Diễn đàn ĐBSCL 2016, diễn ra tại TP HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến sự cần thiết và vai trò của việc “kết hợp”, liên kết” trong khu vực ĐBSCL để “cạnh tranh tốt hơn, đặc biệt là gắn xây dựng nông thôn mới với ứng phó BĐKH”. Theo GS.TS C.M. Veerman, Trưởng nhóm cố vấn Hà Lan cho kế hoạch ĐBSCL nhận định, ĐBSCL cần có “một chiến lược phù hợp để giảm thiểu và thích ứng với những thay đổi của khí hậu”.
Trong đó, ông đánh giá cao Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH sẽ “góp phần thực hiện và duy trì một vùng đồng bằng thịnh vượng, cả về kinh tế lẫn xã hội, trong đó người dân có một cuộc sống phần vinh trong một nền kinh tế mạnh mẽ và năng động được hình thành dựa trên việc sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và thích ứng tốt với những thay đổi về tài nguyên nước và khí hậu”. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh: “Việt Nam cần áp dụng các biện pháp để đảm bảo một tương lai an toàn, thịnh vượng và bền vững cả về kinh tế và môi trường và thích ứng với BĐKH cho khu vực ĐBSCL”.