Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh qua mỹ thuật, nhiếp ảnh

(PLVN) - Cuộc đời giản dị và sự nghiệp cách mạng lẫy lừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chạm đến trái tim của biết bao nghệ sĩ. Những bức ảnh, tác phẩm hội họa, điêu khắc thể hiện tình cảm chân thành, lòng yêu kính vô bờ bến của các nghệ sĩ dành cho Người.
Tranh khắc gỗ Bác Hồ câu cá của tác giả Nghĩa Duyện, sáng tác năm 1980.

Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình

Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), nhiều cuộc triển lãm tưởng nhớ công lao của Người trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước.

Triển lãm “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình” sẽ diễn ra từ ngày 16 - 30/5/2025 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Không chỉ tái hiện hình ảnh Hồ Chí Minh với tư cách là nhà cách mạng, lãnh tụ vĩ đại, triển lãm còn thể hiện tình cảm chân thành, sự ngưỡng mộ sâu sắc của nghệ sĩ dành cho Người.

Triển lãm giới thiệu 60 tác phẩm được chọn lọc trong bộ sưu tập hàng trăm tác phẩm sáng tác của các họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ nhân Việt Nam và nước ngoài về Chủ tịch Hồ Chí Minh, với các thể loại và chất liệu khác nhau như: hội họa, đồ họa, điêu khắc, tranh thêu, tranh trổ giấy, tượng của các nghệ nhân dân gian. Mỗi tác phẩm lại khắc họa một dấu ấn quan trọng trong cuộc đời, hoạt động, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có những khoảnh khắc: Bác thời niên thiếu, Bác tìm đường cứu nước; Hồ Chủ tịch làm việc ở Bắc Bộ phủ; Bác đi chiến dịch, Hồ Chủ tịch với các tầng lớp nhân dân, phong cảnh nơi ở và làm việc của Bác…

Các tác phẩm giúp người xem dễ dàng cảm nhận những lát cắt tiêu biểu trong cuộc đời hoạt động cách mạng và phong cách sống của Bác. Ở nhóm chủ đề Bác Hồ thời kỳ hoạt động cách mạng, nổi bật có tác phẩm “Hồ Chủ tịch làm việc tại Việt Bắc” (chì, 1948) của họa sĩ Phan Kế tái hiện hình ảnh Bác tại chiến khu Việt Bắc giữa thời kỳ kháng chiến; bức “Bác Hồ đi chiến dịch” của họa sĩ Nguyễn Đức Dụ (1984) và tác phẩm cùng tên bằng chất liệu điêu khắc đồng của Nguyễn Phú Cường (2018) cũng thể hiện sinh động tinh thần xông pha trận mạc của vị lãnh tụ trong những thời khắc cam go. Đáng chú ý, tác phẩm “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập” (bột màu, 1979) của Nguyễn Dương gợi lại khoảnh khắc thiêng liêng của ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người

Hàng trăm tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có những tác phẩm được công nhận là bảo vật quốc gia sẽ được trưng bày tại triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”. Đây là sự kiện do Bộ VH,TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và 14 tỉnh, thành phố khác tổ chức. Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 16 - 20/5/2025 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An, phố đi bộ Hồ Tùng Mậu, TP Vinh, Nghệ An nằm trong chuỗi sự kiện “Lễ hội Làng Sen”.

Điểm nhấn của triển lãm là không gian trưng bày ứng dụng công nghệ trải nghiệm đa giác quan Immersive room kết hợp hình ảnh 3D và âm thanh vòm 5.1 tạo nên hiệu ứng cảm xúc đặc biệt, giúp người xem cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc đời và di sản Hồ Chí Minh. Một nội dung đặc sắc khác là khu trưng bày “Chiến dịch giải phóng mang tên Người” khắc họa vai trò lãnh tụ tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, góp phần hiện thực hóa khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước.

Ngoài ra, các Bảo tàng Công an nhân dân, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu 5 và Bảo tàng Khu 5, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh - Quân khu 7, đơn vị văn hóa từ nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, thành phố Huế, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh… cũng trưng bày những tư liệu, hình ảnh về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào cả nước và những thành tựu trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Những bức ảnh, tác phẩm hội họa, điêu khắc đã ghi lại khoảnh khắc cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khiến các thế hệ Nhân dân cả nước xúc động sâu sắc. Qua đó tất cả người dân Việt Nam đều cảm nhận được tình yêu thương dạt dào của một vị lãnh tụ dành cho tất cả đồng bào. Ham muốn tột bậc của Người “là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Người là vậy, là một Hồ Chí Minh bình dị trong cuộc sống đời thường của cá nhân mình, để dành tất cả cho dân, cho nước, cho khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Đọc thêm