Hình thức tử hình: Xử bắn hay tiêm thuốc độc?

Hôm qua (19/4),   cho ý kiến Dự án Luật Thi hành án (THA) hình sự, nhiều thành viên UBTVQH vẫn chưa thể đi đến thống nhất việc lựa chọn hình thức tử hình.

Hôm qua (19/4),   cho ý kiến Dự án Luật Thi hành án (THA) hình sự, nhiều thành viên UBTVQH vẫn chưa thể đi đến thống nhất việc lựa chọn hình thức tử hình.

Tiêm thuốc độc: không đơn giản


Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến vào Dự án Luật THA hình sự, trong đó được quan tâm nhiều nhất là vấn đề hình thức THA tử hình.

Tổng hợp của UBTVQH cho thấy: hiện vẫn còn 3 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị vẫn quy định hai hình thức THA tử hình bằng xử bắn và tiêm thuốc độc.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị dự thảo Luật chỉ quy định một hình thức THA tử hình bằng tiêm thuốc độc. Loại ý kiến thứ 3 đề nghị vẫn giữ quy định hình thức THA tử hình bằng xử bắn như hiện hành.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu Dự án luật nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng: việc THA tử hình bằng xử bắn đã bộc lộ nhiều, bất cập như về pháp trường, áp lực tâm lý đối với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp THA… và cần được thay đổi theo hướng nhân đạo hơn.

Bà Ba cho biết: hiện nay có nhiều nước đã thực hiện THA tử hình bằng tiêm thuốc độc. Nhìn chung, trong các hình thức THA tử hình được áp dụng hiện nay, thì hình thức tiêm thuốc độc ít gây đau đớn hơn cho người bị THA, bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn, ít tốn kém và giảm áp lực tâm lý cho người trực tiếp THA; kinh nghiệm các nước đã áp dụng hình thức này cho thấy quy trình, công nghệ sử dụng việc tiêm thuốc độc cũng đơn giản, dễ thực hiện.

Tuy nhiên, do còn ý kiến khác nhau nên sau khi cân nhắc UBTVQH trình Quốc hội hai phương án để xem xét, quyết định, thứ nhất tử hình bằng tiêm thuốc độc.

Quy trình thực hiện việc tiêm thuốc độc do Chính phủ quy định. Để có thời gian chuẩn bị, Luật quy định việc áp dụng hình thức THA bằng tiêm thuốc độc được thực hiện sau một năm kể từ ngày Luật có hiệu lực.

Trong thời gian chưa áp dụng hình thức tiêm thuốc độc, việc THA tử hình vẫn được thực hiện bằng hình thức xử bắn theo quy định hiện hành. Phương án thứ hai là THA tử hình bằng xử bắn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn và một số ý kiến khác ủng hộ phương án tiêm thuốc độc, đề nghị chỉ nên đưa ra 1 phương án và giao cho Chính phủ ban hành quy trình.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm cho biết, tử hình bằng tiêm thuốc độc "không hề đơn giản".

Nhiều ý kiến đồng tình với Thứ trưởng Tiệm và đều tỏ rõ sự lo lắng khi đây là hình thức THA tử hình hoàn toàn mới, Việt Nam chưa có kinh nghiệm.

Nếu quyết chuyển từ bắn sang tiêm thuốc thì phải có nghiên cứu kỹ, có cơ sở vững chắc và muốn làm phải có lộ trình.

Trước những ý kiến trái chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lên tiếng: Dự luật trình lần này chưa nên thay đổi hình thức xử bắn, cần tích cực chuẩn bị thêm, đến khi có đủ điều kiện thực hiện hình thức tiêm thuốc độc thì sẽ đề nghị Quốc hội sửa riêng quy định về hình thức xử bắn.

Thứ trưởng Tiệm lại có quan điểm khác: vấn đề này nên giao cho Chính phủ. Khi nào chuẩn bị đủ điều kiện, thì chuyển từ bắn sang tiêm.

tu hinh
Vẫn chưa thể chọn được một hình thức thi hành án tử hình tối ưu

Thân nhân được nhận tử thi?


Vấn đề nói trên, có ý kiến đề nghị, xuất phát từ chính sách nhân đạo của nhà nước ta, cần cân nhắc quy định cho phép thân nhân người bị THA tử hình được nhận tử thi của người bị THA về mai táng.

UBTVQH cho rằng, việc cho thân nhân của người bị THA tử hình được nhận tử thi dễ gây ảnh hưởng về trật tự, an toàn xã hội và làm phát sinh các vấn đề cần phải giải quyết như việc bảo quản tử thi, tổ chức mai táng.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng nảy sinh những vấn đề phức tạp chẳng hạn về tập quán có những vùng miền như các tỉnh phía nam không thực hiện việc cải táng; nhiều nơi việc quản lý phần mộ của người bị THA tử hình gặp khó khăn vì nhiều trường hợp sau khi thực hiện xong xử bắn và mai táng thì tử thi được người thân của họ tìm mọi cách lấy đi nên sau đó không còn hài cốt.

Cho đây là vấn đề nhân đạo nên UBTVQH đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét có thể cho thân nhân của người bị THA tử hình được nhận tử thi nhưng phải đáp ứng các điều kiện về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường.

Thu Hằng

Đọc thêm