Hồ Con Rùa là một trong những biểu trưng đặc biệt của TP.HCM gắn liền với giai thoại trấn yểm long mạch. Nơi này sắp được "khoác áo mới", trở thành một không gian hiện đại phục vụ người dân và du khách với tổng kinh phí dự kiến khoảng 50 tỉ đồng.
Ông Phan Thế Huy, Trưởng phòng Quản lý đô thị Q.3 cho biết, hơn 1 năm qua, quận đã lấy ý kiến của cộng đồng dân cư xung quanh Hồ Con Rùa để xây dựng dự án cải tạo, chỉnh trang Hồ Con Rùa.
Theo đó, người dân mong muốn sớm chỉnh trang để khu vực này xứng tầm khu vực trung tâm thành phố . Về phía chính quyền, UBND Q.3 cho rằng nếu cải tạo Hồ Con Rùa khang trang thì sẽ thu hút du khách, tạo ra sức ảnh hưởng, từ đó các hoạt động kinh tế - xã hội ở khu vực xung quanh phát triển theo.
|
Hồ Con Rùa gắn với giai thoại trấn yểm long mạch của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa |
Thiết kế Hồ Con Rùa có gì đặc biệt?
Theo UBND Q.3, Hồ Con Rùa có tên chính thức là Công trường Quốc tế - nút giao của các tuyến đường Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân và Võ Văn Tần. Xung quanh hồ tập trung nhiều nhà hàng và quán cà phê với không gian thoáng, mát mẻ nên tấp nập từ sáng tới khuya.
Đơn vị này cũng cho biết, vào năm 1790 khu vực này là cổng thành Khảm Khuyết của thành Bát Quái (còn gọi là thành Quy) được xây theo lệnh vua Gia Long. Sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (1833 - 1835), vua Minh Mạng đã cho phá thành Bát Quái và xây một ngôi thành nhỏ hơn mang tên là thành Phụng (thành Gia Định).
|
Thiết kế Hồ Con Rùa hiện tại có 5 cột bê tông cao có dạng 5 bàn tay xòe ra giống như các cánh hoa đón đỡ một nhụy hoa |
|
Dân gian gọi đây là Hồ Con Rùa |
Vị trí cửa Khảm Khuyết trở thành một điểm ở ngoài thành và nối thẳng con đường ngoài mặt tây thành xuống bến sông (đường số 16 - Catinat, bây giờ là Đồng Khởi).
Khi chiếm Sài Gòn năm 1859, người Pháp đã cho phá hủy toàn bộ thành Gia Định. Năm 1878, một tháp nước được xây tại vị trí Hồ Con Rùa ngày nay để phục vụ nhu cầu cung cấp nước uống cho cư dân trong vùng. Đến năm 1921, tháp nước bị phá bỏ và con đường được mở rộng nối dài đến đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu).
|
Đây là điểm tụ tập quen thuộc của những bạn trẻ |
|
Hồ Con Rùa được trang trí bởi cây xanh và hồ phun nước hình bát giác lớn với 4 đường đi bộ xoắn ốc đồng hướng đến khu vực trung tâm |
Cũng tại vị trí này, người Pháp cho xây một tượng đài ba binh sĩ bằng đồng với hồ nước nhỏ, để đánh dấu cuộc xâm chiếm và biểu tượng của người Pháp làm chủ Đông Dương. Do đó, người dân thường gọi nó là Công trường Ba Hình. Các tượng đài này tồn tại đến năm 1956 thì bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa phá bỏ, chỉ còn lại hồ nước nhỏ. Giao lộ cũng được đổi tên thành Công trường Chiến sĩ.
Sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, địa điểm Công trường Chiến sĩ trở thành vòng xoay giao thông của đường Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch) và Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần - Trần Cao Vân). Thời điểm xây Hồ Con Rùa chưa được xác định chính xác, nhưng một số tài liệu cho biết, hồ này được xây dựng năm 1965 - 1967 do kiến trúc sư Nguyễn Kỳ thiết kế.
|
Quận 3 cho biết sẽ chấn chỉnh việc tụ tập bán hàng rong |
|
Những nét vẽ xấu xí ở Hồ Con Rùa |
Từ năm 1970 đến 1974, Hồ Con Rùa được chính quyền Việt Nam Cộng hòa trùng tu và chỉnh trang. Trong đó có việc dựng thêm và điều chỉnh 5 cột bê tông cao có dạng 5 bàn tay xòe ra giống như các cánh hoa đón đỡ một nhụy hoa.
Công trình mới này còn bao gồm một vòng xoay giao thông với đường kính khoảng gần 100m, được trang trí bởi cây xanh và hồ phun nước hình bát giác lớn với 4 đường đi bộ xoắn ốc đồng hướng đến khu vực trung tâm và hình tượng con rùa bằng hợp kim đội trên lưng bia đá lớn. Do đó, mới có tên gọi dân gian là Hồ Con Rùa.
|
Lối đi bị nứt bể |
"Ban đầu, khu giao lộ này được đặt tên là Công trường Chiến sĩ Tự do, đến năm 1972 thì đổi tên thành Công trường Quốc tế. Tuy nhiên, đầu năm 1976, tấm bia và con rùa bị phá hủy trong một vụ nổ, dù con rùa không còn nhưng người dân vẫn quen cách gọi cũ thay vì tên chính thức", đại diện UBND Q.3 thông tin.
Giai thoại trấn yểm long mạch Hồ Con Rùa
Nói thêm về những giai thoại liên quan đến Hồ Con Rùa, UBND Q.3 cho hay, do có kiến trúc khá kỳ lạ, Hồ Con Rùa được gắn với giai thoại trấn yểm long mạch của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu.
|
Việc chỉnh trang Hồ Con Rùa sẽ góp phần thu hút du khách |
Đơn vị này trích dẫn tác giả Huỳnh Bá Thành trong cuốn Vụ án Hồ Con Rùa (Nhà xuất bản Tuổi Trẻ 1982) nói thêm, có giai thoại truyền miệng kể là vào năm 1967 khi tướng Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, đã mời một thầy phong thủy người Hoa nổi tiếng đến coi thế đất tại Dinh Độc Lập.
Theo thông tin mà đơn vị này cung cấp từ cuốn sách, thầy phong thủy này khen dinh được xây trên long mạch. Con rồng này có đầu nằm ngay Dinh Độc Lập (vì vậy Dinh Độc lập còn có tên gọi là Phủ Đầu Rồng) và đuôi rồng nằm tại vị trí Công trường Chiến sĩ. Tuy phát hưng vượng nhưng do đuôi rồng hay vùng vẫy nên sự nghiệp không bền, cần phải cúng yểm bùa bằng cách đúc một con rùa lớn để trấn đuôi rồng không vùng vẫy, mới giữ được ngôi vị tổng thống lâu dài.
|
Đề án cải tạo chỉnh trang Hồ Con Rùa với kinh phí dự kiến 50 tỉ đồng sắp được thực hiện, người dân TP đang mong chờ diện mạo mới của điểm đến này |
|
Nhiều người cho rằng kiến trúc tháp cao giống như hình một thanh gươm hoặc một cây đinh khổng lồ đóng xuống hồ nước |
Vì vậy, ông Nguyễn Văn Thiệu đã nghe theo và cho xây dựng một hồ nước có hình bát giác, phỏng theo bát quái trận đồ, một biểu tượng phong thủy thường dùng để trấn yểm của người xưa, và cho đặt một con rùa lớn đúc bằng đồng ngay chính giữa hồ.
Cũng vì thế, nhiều người cho rằng kiến trúc tháp cao ở Hồ Con Rùa giống như hình một thanh gươm hoặc một cây đinh khổng lồ đóng xuống hồ nước để giữ chặt đuôi rồng, và khuôn viên hồ nước có hình bát quái, bên giữa có hình âm dương.
Tin liên quan Tour 'Ngắm TP.HCM từ trên cao' áp giá đặc biệt 4.080.000 đồng/khách Trải nghiệm tour ngắm TP.HCM từ trên cao bằng máy bay trực thăng Quận 3 bất ngờ vào top 20 khu phố tuyệt vời nhất thế giới năm 2019