Sáng nay (7/9), bác sỹ Trần Văn Thuyên, Trưởng Khoa Chấn thương Chi, Bệnh viện chấn thương chỉnh hình Nghệ An cho biết, bệnh nhân Trần Thị Yến đang hồi phục sức khỏe, bệnh viện tiếp tục tiến hành phẫu thuật nối da, khâu kín vết thương.
Theo bác sỹ Thuyên, khoảng 11h30 phút ngày 23/8/2015, bệnh nhân Trần Thị Yến (SN 1995, trú tại Nghĩa Hợp, Tân Kỳ, Nghệ An) đến nhập viện trong tình trạng bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc chậm, da xanh, cánh tay trái được cố định băng ép tạm bằng dây thun và gạc y tế.
Theo bệnh nhân khai báo là bị hổ cắn, được sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn rồi đưa vào Khoa để cấp cứu.
Bác sỹ Trần Văn Thuyết người trực tiếp cấp cứu trường hợp chị Trần Thị Yến |
Bệnh nhân được cho hồi sức, tiêm phòng ngừa uốn ván, qua xét nghiệm, chụp phim và hội chẩn trong vòng hơn 20 phút. Sau đó bệnh nhân được chỉ định đưa đến phòng phẫu thuật.
Sau khi tiến hành gây tê, tiêm hỗ trợ an thần kíp mổ tiến hành rửa vết thương nhận định toàn bộ phần tay từ khuỷa tay trở xuống bàn tay trái không còn nữa, dập nát toàn bộ lộ xương, cơ, mạch máu, thần kinh... Bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ phần tay bị dập nát, đóng cơ, khâu da hở.
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân được truyền máu, đưa sang khoa hồi sức tích cực và chuyển xuống hồi sức điều trị khoa. Tiếp tục theo dõi truyền dịch, thay băng hằng ngày.
Bệnh nhân chuyền hết 800ml máu lúc mổ và 750ml máu sau khi phẫu thuật. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân vẫn hoang mang và hoảng sợ ám ảnh về việc bị hổ cắn.
Chị Yến đang hồi phục sức khỏe, được các bác sỹ cứu chữa chăm sóc |
“Đề nghị những nơi nuôi nhốt các động vật, thú dữ, đặc biệt là hổ phải hết sức cẩn thận, cần đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách du lịch tránh tình huống xấu xảy ra, cần có biển báo, khoảng cách an toàn. Trường hợp nếu bệnh nhân không kịp thời đưa đến bệnh viện cấp cứu thì có thể gây sốc, bị nhiễm trùng nặng có thể phải tháo khớp vai”, bác sỹ Thuyên cho biết.
Nằm trên giường bệnh, bệnh nhân Trần Thị Yến vẫn run run nhớ lại, “Em vừa bước xuống xe thấy mọi người xem đông nên cũng lại xem, tường cao bằng đầu em nên em bám tay vào trèo lên để coi nhìn qua cái lỗ có thép B40 thì bị con hổ vồ lên. Thấy con hổ kéo vào nên hét lên thấy mọi người lao đến… Em cũng không nhớ nữa, sau này mọi người kể lại. Giờ cứ ban đêm đang ngủ mà nghe một tiếng động nhỏ cũng giật mình, em cứ ám ảnh con hổ lôi cắn tay”.
Hằng đêm một tiếng động nhỏ cũng làm chị giật mình tỉnh giấc vì ám ảnh con hổ vồ |
Người nhà bệnh nhân, anh Hồ Đăng Khánh – (SN 1985- chồng chị Yến) cho biết, sáng ngày 23/8 anh và 9 cặp vợ chồng khác tổ chức đi du lịch, ghé vào Khu sinh thái Mường Thanh để xem. Khi vào đây, mua vé xong không có người hướng dẫn nên mọi người tự đi.
“Khi vào bên trong xem thì thấy một lỗ hở, khi ngóc đầu vào nhìn cái nhưng không được rồi mọi người ra về. Tôi nói với vợ: "Thôi ta về đi Cửa Lò tắm biển". Khi mọi người quay ra thì nghe tiếng vợ tôi kêu cứu, những người xung quanh bỏ chạy. Tôi với bốn anh khác phải kéo ra. Một người cầm khúc gỗ đánh con hổ nó mới chịu thả tay và tụt vào trong. Mọi người bồng vợ ra cổng, xe bên sở thú mới đưa xuống Bệnh viện Phủ Diễn cấp cứu…”., anh Khánh kể.
Một trong những con hổ được nuôi nhốt tại Khu sinh thái Mường Thanh |
Thời gian mua vé vào cổng đến lúc bị hổ cắn khoảng 20 phút khiến không ai ngờ được. Theo anh Khánh thì Khu sinh thái không có người hướng dẫn, có tấm biển cấm nằm dưới thấp mà không ai nhìn thấy. Sau khi xảy ra sự việc, phía Khu sinh thái đã hỗ trợ 140 triệu tiền thuốc men và điều trị.
Hiện sức khỏe chị Yến đang hồi phục, các bác sỹ tiếp tục tiến hành cấy da, khâu liền vết thương.
Được biết, Khu sinh thái Mường Thanh nằm tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu (Nghệ An) rộng hơn 200 ha. Tại đây có nuôi 2 con tê giác, 2 hà mã, 2 con voi, 2 sư tử, 2 bò tót, 5 con sư tử, 30 con hổ (20 hổ vàng, 10 hổ trắng) hàng chục con hổ cùng nhiều loài động vật khác…