Từ thợ in trở thành… thợ săn ảnh mục tiêu
Ngày 9/5/2009, Cơ quan An ninh Việt Nam đã tiến hành bắt tạm giữ và khám xét nơi tạm trú của Nguyễn Văn Bé, Việt kiều Úc, là thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân tại một khách sạn thuộc quận 1, TP HCM khi Bé về Việt Nam để thực hiện âm mưu khủng bố của bọn Việt Tân. Trước những chứng cứ cụ thể, Nguyễn Văn Bé đã thành khẩn nhìn nhận hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của mình, đồng thời khai rõ về đồng bọn...
5h ngày 9/4/2009, Nguyễn Văn Bé cùng vợ là Nguyễn Thị Hồng Nga, lên máy bay từ Australia về TP HCM dưới hình thức thăm nhà. Nếu chỉ nhìn bên ngoài, đôi vợ chồng này cũng giống như bao nhiêu Việt kiều khác, nay trở lại quê hương với lỉnh kỉnh những valy, túi xách.
Nhưng nếu để ý kỹ, sẽ thấy khuôn mặt Nguyễn Văn Bé đôi lúc lại thoáng lên những nét trầm tư bởi lẽ lần về Việt Nam này, Bé được Đặng Quốc Sủng, “trung ương ủy viên” của Việt Tân ở Australia, giao cho một nhiệm vụ đặc biệt.
Sinh ngày 25/4/1952 tại Kiên Giang, lúc sang Australia định cư, Bé làm nghề thợ in và cư trú tại nhà số 01, đường Noble. Được những tên trong tổ chức khủng bố Việt Tân như Đặng Quốc Sủng, Lê Ánh, Denny Nguyễn, Nguyễn Tấn Anh, Bảo Khánh, Nguyễn Tuyết Nhung... móc nối, tuyển dụng, Bé đã tham dự những khóa huấn luyện về cách chụp ảnh mục tiêu sao cho không bị ai nghi ngờ, cách in ấn, rải truyền đơn, cách sử dụng vũ khí, chất nổ, cách chống theo dõi, cách liên lạc với đồng bọn mà theo lời Đặng Quốc Sủng, thì "Việt Tân có hàng nghìn thành viên ở trong nước nên cứ yên tâm về hoạt động (?!)".
Tuy nhiên, tấm gương tày liếp của bọn xâm nhập trước đây như Nguyễn Quốc Quân, “trung ương ủy viên” Việt Tân với căn cước Campuchia giả mạo dưới tên Ly Seng, Nguyễn Tấn Anh, Trương Leon, Khunmi Somsak... tất cả đều bị Cơ quan An ninh Việt Nam bắt giữ với đầy đủ tang vật khiến Bé không khỏi hoang mang, lo sợ.
Chả thế mà sau này, khi làm việc với Cơ quan An ninh Việt Nam, Nguyễn Văn Bé đã khai rõ về từng nhân vật như Đặng Quốc Sủng, Lê Ánh, Nguyễn Tuyết Nhung... là những kẻ đã cử Bé về Việt Nam để thực hiện một kế hoạch nhằm phục vụ cho chuỗi âm mưu khủng bố của chúng.
Sa lưới
Sau khi quá cảnh Hồng Kông, 6h chiều ngày 9/4/2009, máy bay chở vợ chồng Nguyễn Văn Bé hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đêm hôm đó, Bé cùng vợ trú tại một khách sạn thuộc quận 1, TP HCM, và Bé đã liên lạc với Nguyễn Tuyết Nhung, để báo cho Nhung biết là mình bình an, đồng thời cung cấp cho Nhung số phòng, địa chỉ, tên khách sạn.
Nhớ lại trước ngày lên đường, Bé được Đặng Quốc Sủng đưa cho 3.000 đôla Australia, mẹ ruột Sủng (thường gọi là bà Ba), cũng nhờ Sủng giao cho một người tên Nguyên ở TP HCM 100 đôla Australia, mà thực chất số tiền này cũng do Đặng Quốc Sủng đưa cho Bé để Bé giao lại cho Nguyên, còn nhân vật “bà Ba”, Bé khai láo để chạy tội.
Theo chỉ đạo của Đặng Quốc Sủng, Lê Ánh, Nguyễn Văn Bé đã mua một máy chụp ảnh và học cách sử dụng vì nhiệm vụ của Việt Tân giao cho Bé là khi về Việt Nam, trong vai khách du lịch, Bé đi chơi nhiều nơi, chụp nhiều hình nhưng trong đó, phải chụp cho được cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh cùng các lối mòn dọc theo hai bên cánh gà cửa khẩu, đồng thời tìm hiểu quy luật qua lại của người dân vùng giáp biên giới Việt Nam, Campuchia. Bên cạnh đó, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM cũng là mục tiêu mà Nguyễn Văn Bé phải chụp hình. Hễ cứ hoàn thành xong việc chụp hình mục tiêu nào, Bé phải liên lạc với Nguyễn Tuyết Nhung để báo cáo kết quả.
Nguyễn Tuyết Nhung da hơi ngăm đen, sống tại Australia và là thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân. Riêng Đặng Quốc Sủng, “trung ương ủy viên” Việt Tân ở Australia, sinh năm 1953 tại Bình Định, theo gia đình vượt biên năm 1988, gia nhập Việt Tân năm 1991, ở số 4 đường Nockolds Punchbowl, bang New South Walles.
Cũng trong nhóm này, là Lê Ánh - hay còn gọi là Trương Ngọc Ánh, Peter Lê, sinh năm 1962 tại Bình Định, vượt biên năm 1980 rồi định cư ở Australia.
Được coi là thành viên cốt cán của tổ chức khủng bố Việt Tân, Lê Ánh thường xuyên chỉ đạo và cung cấp tiền bạc cho một số đối tượng trong nước để bọn này tiến hành các hoạt động như rải truyền đơn, kích động, xúi giục những người thiếu hiểu biết tụ tập khiếu kiện, kích động những phần tử cực đoan, bất mãn trong tôn giáo biểu tình rồi chụp hình, chuyển ra nước ngoài cho Việt Tân làm phương tiện tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Nhà nước Việt Nam, cung cấp tiền bạc cho các đối tượng cơ hội, bất mãn trong nước, mua sắm điện thoại di động để liên lạc, trả lời cho Bảo Khánh, phóng viên đài "Chân trời mới" - là cơ quan thông tin, tuyên truyền của Việt Tân. Bên cạnh đó, Lê Ánh còn tổ chức đưa ra nước ngoài một số đối tượng dưới hình thức du lịch để huấn luyện.
Cũng không thừa khi nhắc đến Denny Nguyễn, Bảo Khánh và Nguyễn Tấn Anh. Trước đây, khi “trung ương ủy viên” Việt Tân Nguyễn Quốc Quân bị bắt, Nguyễn Tấn Anh đã cùng đồng bọn từ nước ngoài về, giả làm người đi mua sách ở nhà sách Nguyễn Văn Cừ, đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5, TP HCM để chụp hình và quan sát quy luật ra vào Văn phòng phía Nam - Bộ Công an.
Bị bắt quả tang và bị trục xuất, thì 10 giờ sáng ngày 10/12/2008, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế nhân quyền, Nguyễn Tấn Anh, Bảo Khánh, Denny Nguyễn, giả làm người đi xin visa, xông vào bên trong khuôn viên Lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố Sydney, Australia để thực hiện kế hoạch khủng bố về mặt tinh thần.
Trái hẳn với thái độ hèn hạ, khúm núm khi bị Cơ quan An ninh Việt Nam bắt giữ, sáng hôm ấy Nguyễn Tấn Anh đã lớn tiếng hò hét, kêu gào, chửi rủa, thách thức. Tuy nhiên, cả bọn đã bị Cảnh sát Australia giải tán vì vi phạm các quy chế về ngoại giao. Ấy vậy mà trên đài "Chân trời mới", Bảo Khánh đã tường thuật rùm beng, coi đây là một thắng lợi của Việt Tân.
Trở lại với nhân vật Nguyễn Văn Bé, sáng ngày 10/4, người tên Nguyên lại đến gặp Bé. Tại Cơ quan An ninh Việt Nam, Bé khai: "Nguyên biết địa chỉ chỗ tôi ở do “bà Ba”, Nguyễn Tuyết Nhung, Đặng Quốc Sủng hoặc Lê Ánh cung cấp vì khi vừa đến khách sạn, tôi đã liên lạc ngay với Nhung.
Do được "bà Ba" dặn dò từ trước, nên tôi đưa cho Nguyên 200 nghìn đồng Việt Nam vì hôm nhờ tôi đưa 100 đôla Australia cho Nguyên, “bà Ba” chỉ nói chứ chưa đưa tiền".
Trưa 10/4, Bé cùng vợ thuê xe về ấp Đông Thành, xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang vì đây là nơi mà ông Nguyễn Văn Mỹ, em ruột của vợ Bé đang sinh sống. Trong suốt nửa tháng ở tại nhà ông Mỹ, Bé đi nhiều nơi, chụp nhiều hình ảnh.
Tuy nhiên, nhận thấy vợ chồng Nguyễn Văn Bé đã mấy lần lảng vảng quanh khu vực cửa khẩu biên giới Việt Nam, Campuchia ở Hà Tiên, và có những thái độ rất bất bình thường, người dân sống ở khu vực này lập tức thông báo cho các cơ quan chức năng Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại cửa khẩu.
Ngày 25/4/2009, vợ chồng Nguyễn Văn Bé quay lại TP HCM, rồi thuê phòng tại khách sạn Thanh Thủy, đường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM để ở, đồng thời báo cho Nguyễn Tuyết Nhung biết việc chụp hình cửa khẩu Hà Tiên đã hoàn tất.
Hôm sau, nhân vật tên Nguyên tìm đến khách sạn Thanh Thủy và lần này, Bé đưa cho Nguyên thêm 1 triệu đồng Việt Nam. Những ngày sau đó, vợ chồng Bé như khách nhàn du, sáng đi chợ Bến Thành, chiều thuê tắcxi ra Thảo Cầm Viên mà mục đích không ngoài việc chụp hình Tổng lãnh sự quán Mỹ trên đường Lê Duẩn. Theo kế hoạch, sau khi chụp xong loạt hình về cơ quan Tổng lãnh sự quán Mỹ, Bé cùng vợ sẽ lên cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh như người đi mua hàng ở siêu thị miễn thuế, để chụp hình và quan sát quy luật đi lại qua cửa khẩu này.
Nhưng, ngày 9/5/2009, Nguyễn Văn Bé đã bị Cơ quan An ninh Việt Nam bắt tạm giữ với tang vật gồm máy chụp hình, trong đó chứa nhiều hình ảnh chụp tại các khu vực có bảng cấm. Lúc được hỏi vì sao lại chụp hình Tổng lãnh sự quán Mỹ, thoạt đầu Nguyễn Văn Bé quanh co, rằng thấy đẹp thì chụp.
Nhưng khi nhìn lại những tấm hình chụp cửa khẩu biên giới Hà Tiên, thì Bé không còn nói là... đẹp nữa, mà: "Thưa cơ quan, tôi được Đặng Quốc Sủng, “trung ương ủy viên” Việt Tân tại Australia, cho 3 nghìn đôla Australia để về Việt Nam chụp những hình này".
Một lần nữa, kế hoạch thiết lập một đường dây qua ngả biên giới để đưa người, vũ khí xâm nhập Việt Nam bất hợp pháp thông qua Nguyễn Văn Bé của tổ chức khủng bố Việt Tân đã thất bại, như trước đây chúng đã thất bại trong chuyến xâm nhập của Nguyễn Quốc Quân.