Những ngày qua, “Hồ sơ Panama” đã trở thành “vụ nổ lớn nhất” mà sức chấn động của nó đang lan dần ra khắp thế giới.
Quan chức “rụng như sung”
Trong diễn biến mới nhất của vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama”, ngày 7/4, ông Bert Meestadt - Uỷ viên HĐQT Ngân hàng ABN Amro, một trong những ngân hàng lớn nhất của Hà Lan và châu Âu đã tuyên bố từ chức.
Trước đó, truyền thông Hà Lan và báo “Sueddeutsche Zeitung” (Nam Đức - SZ), một trong những tờ báo đầu tiên công bố nhiều tài liệu mật, trong đó đề cập tới hoạt động tài chính của một loạt nhân vật giàu có và có thế lực trên thế giới bị cho là trốn thuế với sự trợ giúp của một công ty luật, cho biết ông Bert Meerstadt có tên trong danh sách “Hồ sơ Panama” với tư cách cổ đông sáng lập của công ty mang tên Morclan Corporation có trụ sở ở quần đảo Virgin thuộc Anh.
Về phần mình, ông Meerstadt nói rằng “đã có ý định từ chức từ lâu” và quyết định này được đưa ra không lâu sau khi có những thông tin từ vụ “Hồ sơ Panama” là nhằm không để ảnh hưởng đến danh tiếng của ABN Amro.
Không chỉ các quan chức ngân hàng mà nhiều chính trị gia lừng lẫy khác cũng phải “ngã ngựa” hay “liêu xiêu” trước sức chấn động từ “Hồ sơ Panama”. Sau tuyên bố từ chức của Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, đến lượt Thủ tướng Anh phải thừa nhận được hưởng lợi từ quỹ hải ngoại.
Trang mạng báo “The Guardian” tối 7/4 cho biết, Thủ tướng David Cameron xác nhận có mối liên hệ trực tiếp với Quỹ đầu tư Blairmore Investment Trust (BIT) mà cha ông đã lập ở nước ngoài để tránh đóng thuế cho nước Anh như đã bị tiết lộ trong vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama”.
Thủ tướng Anh D. Cameron cũng không thể im lặng. |
Ông Cameron thừa nhận từng góp 30.000 bảng (37.000 euro) vào BIT. Trước khi trở thành Thủ tướng Anh hồi năm 2010, ông đã bán cổ phần của mình ở quỹ này với giá 31.500 bảng. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ Anh cũng khẳng định ông không biết liệu số tiền 300.000 bảng được thừa kế từ người cha quá cố có phải được hưởng lợi từ “thiên đường thuế” hay không.
Trước đó, Thủ tướng Cameron và các trợ lý của ông đã 5 lần đưa ra những giải thích liên quan đến những lợi ích mà ông và gia đình được hưởng từ quỹ hải ngoại trên. Ban đầu Downing Street cho rằng đây là “vấn đề riêng tư”, sau đó ông Cameron tuyên bố “không sở hữu cổ phiếu hay bất cứ quỹ hải ngoại nào”.
Tuy nhiên, vài ngày sau khi “Hồ sơ Panama” được công khai, người ta phát hiện ông Ian Cameron, người cha của Thủ tướng Cameron và đã mất năm 2010 có tên trong danh sách với tư cách Chủ tịch HĐQT Quỹ đầu tư BIT trụ sở ở Bahamas mà truyền thông Anh trước đó cũng nhiều lần cho rằng đã cố “tránh thuế” trong nhiều năm.
Argentina: Tổng thống bị “ngắm bắn”
Cùng ngày 7/4, thẩm phán liên bang Argentina Federico Delgado đã yêu cầu tiến hành điều tra Tổng thống đương nhiệm Mauricio Macri, người có tên trong danh sách vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama”.
Ông Delgado đã yêu cầu điều tra vai trò của ông Macri trong 2 Cty Fleg Trading, có trụ sở tại Bahamas và Cty Kagemusha tại Panama, bị tình nghi là các công ty “ma” tham gia trốn thuế và rửa tiền.
Ông này cho rằng cần phải tìm hiểu động cơ đằng sau việc ông Macri không khai báo tài sản của hai công ty này trong báo cáo thuế hàng năm. Kể từ khi xảy ra vụ việc, ông Macri chưa công khai trả lời báo giới về vụ việc này.
lTổng thống đương nhiệm Mauricio Macri của Argentina đã bị thẩm phán liên bang “điểm mặt”. |
Trước đó, phe đối lập cũng như nhiều chính trị gia kể cả trong liên minh cầm quyền cũng đã yêu cầu ông này đưa ra những lời giải đáp thích đáng. Ông Macri từng là một doanh nhân và là con trai của nhà triệu phú có tiếng ở Argentina Francisco Macri.
Theo thông cáo của Văn phòng Phủ Tổng thống, cả hai công ty nói trên đều là của gia đình và ông Macri chỉ là chủ tịch trên danh nghĩa bởi ông này không đóng góp cổ phần cũng như không nhận lương.
Ông Delgado yêu cầu Tổng thống Macri phải công khai toàn bộ chức danh và hoạt động của các Cty mà ông này có liên quan tại nước ngoài. Riêng Công ty Fleg Trading, được thành lập trong những năm 90 với mục đích đầu tư vào Brazil nhưng chưa thực hiện bất cứ hoạt động đầu tư nào và đã bị giải thể nhanh chóng.
Trong một diễn biến liên quan, giới lập pháp Mỹ đã đề nghị Bộ Tài chính nước này mở cuộc điều tra xem có hay không sự dính líu của Mỹ hoặc bất kỳ thực thể nào liên quan tới Mỹ với Công ty Luật Mossack Fonseca, tâm điểm trong vụ bê bối trốn thuế “Hồ sơ Panama”.
Theo đó, các thượng nghị sĩ Mỹ Elizabeth Warren và Sherrod Brown, trong lá thư gửi Bộ trưởng Tài chính Jack Lew, nhấn mạnh Bộ Tài chính Mỹ cần phải có kết quả điều tra nhằm bảo vệ sự minh bạch của hệ thống tài chính Mỹ và thực thi các điều luật về chống rửa tiền và bảo trợ khủng bố.
“Vụ nổ lớn”
Khi những thông tin đầu tiên về “Hồ sơ Panama” xuất hiện trên truyền thông kéo theo sau đó những chấn động gần như tức thì đối với chính trường nhiều quốc gia, nhiều chuyên gia đã “định danh” cho vụ việc này với danh xưng “Big Bang” — tức là sánh ngang với “vụ nổ lớn” hình thành nên vũ trụ.
“Hồ sơ Panama”, được tập hợp bởi Hội Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ), đã tiết lộ các thông tin về đường dây trốn thuế toàn cầu. Hồ sơ này có quy mô lớn nhất thế giới từ trước đến nay, tiết lộ tài sản được cất giữ ở các “thiên đường” thuế của 140 nhà lãnh đạo cấp cao và các nhân vật nổi tiếng, bao gồm các cộng sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, thân quyến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson.
Hồ sơ này được tập hợp bởi hơn 100 hãng truyền thông, gồm khoảng 11,5 triệu tài liệu từ Công ty Luật Panama Mossack Fonseca - “chuyên gia” trong việc lập ra các công ty bình phong ở nước ngoài.
ICIJ đã công khai hàng nghìn cá nhân sở hữu các tài khoản ở nước ngoài nhằm mục đích trốn thuế, các thỏa thuận của Luxembourg giúp các công ty đa quốc gia trốn thuế và kế hoạch giúp các khách hàng của chi nhánh Ngân hàng HSBC ở Thụy Sĩ trốn thuế với tổng số tiền trong tài khoản lên tới 119 tỷ USD.
ICIJ có trụ sở tại Washington và được điều hành bởi nhà báo người Australia Gerard Ryle, tập hợp hơn 190 nhà báo từ hơn 65 quốc gia. ICIJ tiến hành điều tra các vụ tham nhũng xuyên biên giới, các vụ phạm tội có tổ chức và trốn thuế, bên cạnh nhiều vụ việc khác.
Trước “vụ nổ lớn” của “Hồ sơ Panama”, thế giới hiện vẫn chưa hết chao đảo với những vụ tiết lộ thông tin mật đáng chú ý gần đây. Trước hết là vụ WikiLeaks. Được sáng lập năm 2006 và đưa vào hoạt động một năm sau đó bởi cựu tin tặc người Australia Julian Assange, WikiLeaks bắt đầu tiết lộ các bí mật như hoạt động tại nhà tù của Mỹ ở vịnh Guantanamo và nội dung các thư điện tử cá nhân của chính trị gia người Mỹ Sarah Palin.
Tháng 4/2010, đoạn băng quay cảnh một trực thăng Mỹ tấn công ở Baghdad làm hai nhân viên của hãng tin Reuters và một số người khác thiệt mạng đã đưa WikiLeaks trở lại các bản tin. Mùa Hè năm đó, WikiLeaks đã công bố hàng chục nghìn tài liệu quân sự nội bộ Mỹ liên quan đến các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, miêu tả chi tiết các vụ cưỡng bức, tra tấn và giết hại người dân.
Binh sĩ người Mỹ Bradley Manning - một người chuyển giới hiện được biết với cái tên Chelsea Manning - đã bị bắt giữ sau khi được xác định là người cung cấp thông tin này. Bà đang chịu án 35 tù giam vì vi phạm Đạo luật Tình báo.
Tháng 11/2010, WikiLeaks công bố 250.000 bức điện ngoại giao từ các đại sứ quán của Mỹ trên khắp thế giới, điều thực sự khiến Washington “bẽ mặt”. Cùng thời điểm đó, một công tố viên người Thụy Điển đã phát lệnh truy nã quốc tế Assange với các cáo buộc hãm hiếp. Sau khi tính toán, Assange tới Đại sứ quán Ecuador ở London ngày 19/6/2012 và xin tị nạn chính trị. Đến nay, Assange vẫn trú ẩn tại đó.
Tiếp đó, là vụ Snowden và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Edward Snowden, một nhà thầu có quyền tiếp cận các thông tin mật của NSA, đã liên hệ với tờ “The Guardian” (Anh) và sau đó vào tháng 6/2013 đã tiết lộ vụ một tòa án bí mật của Mỹ đã ra lệnh buộc công ty viễn thông Mỹ Verizon phải cung cấp thông tin cuộc gọi của các khách hàng cho NSA trong thời gian 4 tháng.
Ngày 6/6/2013, tờ “Washington Post” và tờ “The Guardian” đưa tin rằng NSA và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tiếp cận các máy chủ của các tập đoàn khổng lồ như Microsoft, Yahoo!, Google và Facebook để theo dõi thông tin truy cập mạng của người dân bên ngoài nước Mỹ.
Các công ty viễn thông Trung Quốc cũng được cho là đã bị tin tặc tấn công. Chính quyền Mỹ đã kết tội Snowden, người thừa nhận tiết lộ tin mật này, vì tội làm gián điệp và đánh cắp bí mật quốc gia, và tìm cách bắt giữ nhân vật này ở Hong Kong. Tuy nhiên, Snowden đã trốn thoát và bay tới Moskva. Hiện Snowden vẫn đang ẩn náu tại Nga.
Các tiết lộ liên quan đến NSA đã gây rúng động thế giới, làm căng thẳng quan hệ của Mỹ với các đồng minh bởi thông tin rò rỉ cho thấy Washington đã lén theo dõi Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và Chính phủ Mexico cũng như các nước khác. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cam kết làm hoạt động của NSA minh bạch hơn và Quốc hội Mỹ đã cải cách các dự luật liên quan đến việc theo dõi các cá nhân trên mạng..../.