Hồ tiêu trở lại vị thế mặt hàng xuất khẩu tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 10 năm, mặt hàng hồ tiêu đã trở lại cán mốc kim ngạch xuất khẩu tỷ USD. Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải có kế hoạch để duy trì vị thế tỷ USD của mặt hàng này.
Cần xây dựng thương hiệu cho hồ tiêu Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Cần xây dựng thương hiệu cho hồ tiêu Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Sản lượng xuất khẩu giảm nhưng kim ngạch tăng

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2024, Việt Nam xuất khẩu (XK) 20.000 tấn hồ tiêu, với trị giá 125 triệu USD, tăng 10,4% về lượng và tăng vọt 84,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng năm 2024, XK hồ tiêu đạt 203.000 tấn, thu về hơn 1 tỷ USD, giảm 1,5% về lượng nhưng tăng 46,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước…

Tuy nhiên, theo số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tính chung 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã XK được 200.894 tấn hồ tiêu các loại với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 991 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023, lượng xuất khẩu giảm 1,7%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 46,1%. Nguyên nhân là do giá xuất khẩu bình quân các loại tiêu đều tăng mạnh từ 30 - 40% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến giữa tháng 10, XK hồ tiêu của Việt Nam đạt 209.933 tấn, kim ngạch thu về 1,05 tỷ USD, giảm 1,9% về lượng nhưng tăng tới 47% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, sau 10 năm, hồ tiêu mới trở lại vị thế là mặt hàng XK tỷ USD. Năm 2014, hồ tiêu đã từng cán mốc kim ngạch kỷ lục 1,2 tỷ USD. Nhiều chuyên gia đánh giá, sau khi hồ tiêu trở thành mặt hàng XK tỷ USD, việc trồng hồ tiêu đã diễn ra ồ ạt ở nhiều nơi với diện tích lớn đã khiến sản lượng tăng mạnh, cung vượt cầu dẫn tới giá liên tục giảm mạnh trong nhiều năm qua.

Nguyên nhân khiến cho năm 2024 XK hồ tiêu lại đạt mốc tỷ USD dù sản lượng XK giảm là do vấn đề thiếu hụt nguồn cung khi diện tích trồng hồ tiêu ở Việt Nam đã giảm mạnh trong những năm gần đây, khiến sản lượng có xu hướng đi xuống, không đủ đáp ứng nhu cầu trên thị trường. Do đó, cần phải có kế hoạch để giữ được giá cũng như chất lượng hồ tiêu, để mặt hàng cây gia vị này giữ được vị trí mặt hàng XK tỷ USD trong các năm tiếp theo.

Cần đẩy mạnh chế biến sâu, gia tăng giá trị

Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, năm 2024 ghi nhận sự đột phá trong XK là do các thị trường có lợi thế đều gia tăng nhu cầu hồ tiêu như Australia, New Zealand, Nhật Bản. Các thị trường khó tính hơn như các quốc gia châu Âu có nhu cầu nhập khẩu ổn định nhưng do yêu cầu khắt khe nên tỷ trọng hồ tiêu Việt Nam mới chỉ chiếm rất nhỏ ở các thị trường này. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu khi chiếm trên 30% tổng lượng XK.

Tuy nhiên, ở các thị trường lớn thì tỷ lệ XK thô vẫn chiếm phần lớn. “Chúng tôi đang khuyến khích hội viên trong hiệp hội, nhất là các doanh nghiệp có khả năng tiếp tục đầu tư công nghệ để đẩy mạnh chế biến sâu. Tuy nhiên, chế biến sâu thì chúng ta cũng phải lo phía đầu thị trường. Bởi hàng chế biến sâu là hàng rất đặc thù và tùy thuộc vào nhu cầu của người mua, khách hàng chứ không phải của từng thị trường. Do đó, phải bảo đảm chắc chắn có được thị trường thì doanh nghiệp mới dám đầu tư” - bà Hoàng Thị Liên nói.

Ngoài ra, cũng cần phải xây dựng được thương hiệu cây gia vị của Việt Nam ở thị trường quốc tế. Nhưng để xây dựng được thương hiệu phải bắt buộc nhà XK, nhà chế biến gắn trực tiếp với vùng nguyên liệu để làm việc trực tiếp với nông dân, từ đó mới quản lý được sản xuất và như vậy mới đảm bảo được yêu cầu về chất lượng và đảm bảo yếu tố bền vững, truy xuất nguồn gốc. Do đó, cần phải mạnh dạn, xem xét đầu tư xây dựng thương hiệu.

Bà Liên phân tích, với các khách hàng là những nhà mua lớn - là nhà mua cuối cùng trong chuỗi thì thường yếu tố mà họ quan tâm và muốn lựa chọn làm đối tác lâu dài chính là những nhà cung cấp, chế biến, XK có liên kết sản xuất, có sự hỗ trợ nông dân trong chuỗi. Việc này giúp cho chuỗi cung cấp của họ bền vững. Bởi khi là một mắt xích trong chuỗi sản xuất, thì việc điều chỉnh theo yêu cầu khách hàng trong quá trình cung cấp sản phẩm có thể diễn ra nhanh hơn so với những nhà cung cấp chỉ làm ở phân khúc thương mại.

Câu chuyện xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam không mới và luôn đòi hỏi sự chủ động của DN. Bởi khi xây dựng thương hiệu, thường phải nghiên cứu kỹ các khách hàng, nhu cầu và mong muốn của họ. Thường mỗi khách hàng lại có những phân khúc thị trường tiêu dùng khác nhau, do đó, đã từng có ý kiến cho rằng, nếu để DN đơn thương độc mã trong việc xây dựng thương hiệu cũng sẽ rất khó khăn. Do đó, cần phải có sự chung tay của Bộ, ngành, địa phương thì nông sản Việt Nam nói chung, hồ tiêu Việt Nam nói riêng mới có thể có những thương hiệu của mình, qua đó giá trị gia tăng của ngành hàng sẽ được nâng lên đáng kể.

Đọc thêm