Tối 17/10, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội), Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022.
Tham dự Chương trình có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng nhiều nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi Lễ. |
Sau hai năm đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của nhân dân, nhất là những người nghèo, người yếu thế trong xã hội, chương trình truyền hình, phát thanh trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022 được tổ chức với chủ đề là “Hành trình của hy vọng”, hành trình của sự lắng nghe, sự giúp đỡ, chia sẻ yêu thương, tự lực vươn lên thoát nghèo và sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng đối với người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” là một sự kiện có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, truyền đi thông điệp của lòng nhân ái, sự sẻ chia, của niềm tin, sự thấu hiểu và quyết tâm hành động “không ai bị bỏ lại phía sau” trong hành trình xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, phồn vinh, ấm no, hạnh phúc.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ đã chỉ rõ đói nghèo là một trong ba thứ giặc và “dân chỉ biết rõ giá trị của tự do khi dân được ăn no mặc đủ”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến xóa đói giảm nghèo, coi đây là yêu cầu cấp bách, là một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hàng năm, chúng ta vẫn dành một nguồn lực lớn để đầu tư, hỗ trợ, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Đảng và Nhà nước đã kịp thời có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả đối với người dân bị ảnh hưởng, nhất là người nghèo.
Trong hơn 1 năm qua, Trung ương và địa phương đã dành hơn 86 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho khoảng 56 triệu lượt người dân, người lao động gặp khó khăn do đại dịch và trên 730 nghìn người sử dụng lao động. Cùng với sự quan tâm đó và chính sự nỗ lực vươn lên của chính người dân, công tác giảm nghèo còn nhận sự hỗ trợ to lớn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia, các tổ chức quốc tế.
Đại biểu tham dự Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2022. |
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, Việt Nam đã đạt nhiều thành quả rất ấn tượng về giảm nghèo, được nhân dân ghi nhận, cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chúng ta đã hoàn thành trước thời hạn Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo.
Thủ tướng chia sẻ niềm vui về những thành tựu quan trọng đạt được thời gian qua, nhưng phía trước vẫn còn nhiều nỗi lo toan, trăn trở khi vẫn còn gần 2,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều, chiếm hơn 9% số hộ trong cả nước. Vẫn còn nhiều người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo… còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Theo Thủ tướng, ai cũng mong muốn có cuộc sống tốt đẹp nhưng “Mỗi cây mỗi hoa - Mỗi nhà mỗi cảnh”, có những số phận kém may mắn rất cần tấm lòng của cộng đồng… Mỗi sự giúp đỡ không chỉ mang giá trị vật chất mà còn là suối nguồn tinh thần để giúp họ vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh của cuộc sống. Trong thực tế, nhờ có chính sách đúng đắn, hiệu quả của Đảng, Nhà nước và sự chung tay của cả cộng đồng, xã hội, hàng triệu người đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí làm giàu và quay trở lại giúp đỡ cộng đồng.
Thủ tướng cho biết, cũng có nhiều người đặt câu hỏi “Cho cần câu hay cho con cá” trong quan điểm xóa đói giảm nghèo? Chúng ta cần nhận thức và hành động rõ ràng, đó là cả hai. Chúng ta cần giúp đỡ vật chất để người nghèo giải quyết được cuộc sống trước mắt. Nhưng ở tầm nhìn xa, chúng ta cần tạo cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả được ví như “cần câu” để người nghèo thoát nghèo bền vững.
Đau xót trước những mất mát, đau thương mà người dân ở các tỉnh miền Trung đang phải đối mặt vì lũ lụt, sạt lở đất, Thủ tướng cho rằng, “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu mà là những hành động cụ thể, thiết thực. Chúng ta hãy ở bên cạnh, đặt mình vào hoàn cảnh của những người nghèo, của những số phận kém may mắn để giúp đỡ bằng tấm lòng, bằng cảm xúc của trái tim, bằng sự thấu hiểu, bằng sự trân trọng, nâng niu và cảm thông sâu sắc.
Xóa đói giảm nghèo là vấn đề toàn dân và cả nước, cần phải có cách tiếp cận toàn dân và trên bình diện quốc gia. Đó là sự tham gia tích cực của cộng đồng và sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành và bạn bè, đối tác quốc tế.
Thủ tướng tha thiết đề nghị và kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, nhất là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh. Tăng cường kiến thức, kỹ năng sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người nghèo.
Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục đồng hành, chung tay, có các hoạt động thiết thực, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước ta.
Những người nghèo, cận nghèo cần phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên thoát nghèo bền vững. Cuộc chiến chống đói nghèo không thể thành công nếu chính người nghèo không nỗ lực vươn lên vì một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của họ.
Nhân dịp này, Thủ tướng trân trọng cám ơn và mong muốn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế với trái tim nhân ái, tinh thần trách nhiệm cao cả tiếp tục có những đóng góp hiệu quả hơn nữa trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.
Một tiết mục văn nghệ trong Lễ phát động “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022. |
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, dành nguồn lực lớn, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở vùng còn nhiều khó khăn, thực hiện đồng bộ các giải pháp xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Cùng với nguồn lực Nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã ủng hộ của cải vật chất, ngày công, thiết thực giúp đỡ người nghèo, người yếu thế, người bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh… vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Nguồn lực từ xã hội đã góp phần xây dựng hàng chục vạn ngôi nhà, các trường học, công trình nước sạch, đường, cầu dân sinh, hỗ trợ tạo sinh kế cho hàng triệu hộ nghèo, giúp đỡ, giành giật cuộc sống cho nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo. Đặc biệt trong hơn 2 năm qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, dân tộc ta đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, hun đúc thêm tinh thần nhân ái, nghĩa tình, nhân văn của dân tộc ta.
Theo ông Đỗ Văn Chiến, công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Nhưng vẫn còn một bộ phận người dân ở vùng sâu vùng xa, những người bị thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh, những người mắc bệnh hiểm nghèo, người yếu thế gặp rất nhiều khó khăn, mong nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng và xã hội.
Được sự đồng ý của Thường trực Ban Bí thư và hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tha thiết kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam, các nhà hảo tâm trong cả nước phát huy truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “người có của giúp của, người có công giúp công”, “có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít”, đồng tâm hiệp lực giúp đỡ người nghèo, người yếu thế và giúp đỡ địa bàn đặc biệt khó khăn.
MTTQ Việt Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị vận động, tiếp nhận các nguồn lực giúp đỡ của toàn xã hội. “Chúng tôi cam kết quản lý, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, công khai, minh bạch để nhân dân và các tổ chức, cá nhân giám sát. Chúng tôi sẽ tiếp thu đầy đủ và nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thủ tướng Chính phủ để Chương trình này đạt hiệu quả, thiết thực, đáp ứng sự mong đợi, kỳ vọng của các đối tượng được thụ hưởng”, ông Đỗ Văn Chiến bày tỏ.
Hơn 78 nghìn tỷ đồng ủng hộ trong gần 22 năm
Trong những năm qua, Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo" nói riêng và công tác vận động chăm lo giúp đỡ người nghèo luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Gần 3 năm (từ năm 2020 đến nay) mặc dù bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh việc tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các cấp đã tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và thực hiện an sinh xã hội được trên 19.313 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được trên 3.865 tỷ đồng (Trung ương tiếp nhận trên 171,135 tỷ đồng; địa phương tiếp nhận trên 3.694 tỷ đồng); vận động các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp các địa phương trên 15.448 tỷ đồng.
Lũy kế từ năm 2000 đến nay (gần 22 năm), Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội được trên 78.983 tỷ đồng. Trong đó, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trên 19.432 tỷ đồng; các chương trình an sinh xã hội trên 59.551 tỷ đồng.