Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) bao gồm gần như toàn bộ diện tích rừng lá rộng thường xanh còn lại hiện nay của Việt Nam và một số khu vực đa dạng sinh học có tầm quan trọng toàn cầu. Vùng Bắc Trung Bộ có dân số 10,3 triệu người (chiếm 12% tổng dân số Việt Nam), có tổng diện tích đất tự nhiên là 5,1 triệu ha (chiếm 16% tổng diện tích đất đai Việt Nam), độ che phủ rừng là 57% (2,9 triệu ha), trong đó 74% là rừng tự nhiên (2,1 triệu ha).
Theo TS. Nguyễn Văn Hà – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp, chương trình Giám phát thải vùng Bắc Trung Bộ là Chương trình REDD+ cấp vùng thực hiện đầu tiên của nước ta, với tham vọng giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ khoảng 33,06 triệu tấn CO2 quy đổi.
Ngày 19/6/2017 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ký Ý định thư (LOl) với Ngân hàng Thế giới (WB), một lần nữa khẳng định Việt Nam sẽ hoàn thiện Văn kiện chương trình giảm phát thải và WB cam kết đặt mua 10,3 triệu tấn giảm phát thải do Chương trình này mang lại (tương đương với 60 triệu USD trong thời gian 6 năm thực hiện Chương trình từ năm 2018-2024). Do vậy, việc hoàn thiện Văn kiện chương trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế mà còn là ý nghĩa, nhiệm vụ thực hiện cam kết quốc tế.
Toàn cảnh Hội thảo |
Chương trình được chi trả sau khi kết quả được thẩm định nên nguồn kinh phí để triển khai thực hiện chương trình Giảm phát thải Vùng Bắc Trung Bộ cần được bố trí từ các nguồn hiện có như: Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững (2016-2020); Quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng; Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình nông thôn mới; Dự án hiện đại hóa ngành Lâm Nghiệp và tăng cường khả năng chống chịu ven biển triển khai ở 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, Hải Phòng và Quảng Ninh (Ngân hàng Thế giới: 150 triệu USD); Dự án Quỹ khí hậu xanh (UNDP: 11,5 triệu USD)…
Văn kiện Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ được thiết kế dựa trên các yêu cầu: Giải quyết các nguyên nhân gây mất rừng và suy thoái rừng; Phù hợp và đóng góp vào các chiến lược và chính sách quốc gia; Tham vọng nhưng thực tế; Chi trả dựa trên kết quả; Tự ứng trước để đầu tư thực hiện.
Theo đó, Văn kiện Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ có 4 hợp phần, 10 tiểu hợp phần và 28 hoạt động chính. Nếu văn kiện được Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua, Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (thay mặt FCPF) sẽ thương thảo và ký kết Hiệp định chi trả Giảm phát thải (ERPA) thực hiện Chương trình. Đây là chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, thể hiện trách nhiệm và nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2” được Quỹ Đối tác các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF) tài trợ không hoàn lại, ủy thác qua Ngân hàng Thế giới với tổng kinh phí 5 triệu USD, thời gian thực hiện từ tháng 11/2016-12/2019.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ quản, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp là chủ dự án. Dự án FCPF giai đoạn 2 được triển khai với mục tiêu Hỗ trợ nâng cao năng lực tổ chức, kỹ thuật cho các cơ quan có liên quan ở Trung ương và 06 tỉnh thuộc Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ nhằm chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam