Tuy nhiên, tỷ lệ “sợ thất bại” trong cộng đồng nữ doanh nhân Việt khá cao, cho thấy tình trạng dễ bị tổn thương tiềm ẩn có khả năng cản trở tiến bộ và có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn do tác động của đại dịch Covid-19.
Lo ngại này của các chủ doanh nghiệp nữ không phải là không có căn cứ khi sự gián đoạn về kinh tế do Covid-19 giáng đòn mạnh nhất vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, vốn chỉ có nguồn lực rất hạn chế để ứng phó với các cú sốc kinh tế. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, gần 30.000 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tạm ngừng hoạt động kinh doanh, tăng 38% so với nửa đầu năm 2019.
Đây cũng chính là lý do để Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam vừa ký kết hiệp định viện trợ không hoàn lại trị giá 5 triệu USD từ Quỹ Sáng kiến Tài chính dành cho doanh nhân nữ (We-FI). Số tiền này để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ của Việt Nam đang bị đại dịch Covid-19 làm suy yếu khả năng tiếp cận tài chính.
Khoản viện trợ này sẽ tài trợ cho Dự án Cứu trợ Covid-19 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ với mục tiêu khuyến khích các ngân hàng tham gia ở Việt Nam tái cơ cấu những khoản vay hiện thời hoặc mở rộng các khoản vay mới cho ít nhất 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ.
Trước đó, vào tháng 9/2020, Tổ chức CARE, Mastercard, VPBank, Sáng kiến Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh (WISE) và Tổ chức công nghệ Canal Circle cũng chính thức công bố sáng kiến “Thắp lửa” tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu nâng quyền của các nữ chủ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trọng yếu này; đồng thời, bảo đảm an ninh tài chính và tăng trưởng bao trùm, thông qua các can thiệp đặc thù nhằm hỗ trợ nữ doanh nhân phát triển kinh doanh.
Sáng kiến sẽ tiếp cận khoảng hơn khoảng 50 nghìn doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam, hỗ trợ nữ doanh nhân tiếp cận các công cụ phù hợp để số hóa doanh nghiệp và đẩy nhanh quá trình phục hồi sau khủng hoảng dịch bệnh.