Vấn đề được đề cập tại hội nghị "Hỗ trợ DN Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững" do Bộ KH&ĐT và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức sáng nay (24/7) với sự hỗ trợ bởi Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa (USAID LinkSME)…
Cạnh tranh bình đẳng
Trao đổi tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Hỗ trợ chiến lược, Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, Sasung Việt Nam hiện có 679 DN cung cấp linh kiện, trong đó có 42 DN cấp 1, 72 DN cấp 2. Mục tiêu cuối năm 2020 sẽ có 50 DN cấp 1. Tuy nhiên khả năng DN Việt Nam đáp ứng được không nhiều.
"Rất nhiều DN Việt Nam nói với chúng tôi: Chỉ cần các anh cam kết mua hàng của chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng vay vốn đầu tư công nghệ để đảm bảo đạt được tiêu chuẩn mà Samsung đề ra. Nhưng đây là môi trường mở, chúng ta đang sống trong thế giới phẳng và cạnh tranh bình đẳng. Không có sự phân biệt giữa DN Hàn Quốc, DN Nhật Bản hay DN Việt Nam".- Ông Tuấn chia sẻ.
Cũng theo đại diện Samsung Việt Nam, linh kiện cho Samsung phần lớn là điện thoại do đó linh kiện càng ngày càng tinh vi, càng ngày càng nhỏ, thay đổi theo chu kỳ 6 tháng một lần. Vì vậy, việc thay đổi dây chuyền thay đổi công nghệ đối với DN Việt Nam sẽ vô cùng khó khăn. “Chỉ có thể làm được khi có rất nhiều vốn, mà có khi lúc có nhiều vốn thì thì DN Việt Nam cũng đầu tư vào bất động sản chứ cũng chẳng đầu tư vào sản xuất”- theo lời ông Tuấn.
"Nếu chúng ta muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì đừng nghĩ quá nội địa! Xác định cung cấp linh kiện điện tử thì đừng chỉ nghĩ đến Samsung, mà bên cạnh Samsung còn có rất nhiều công ty khác. Tư duy như vậy thì Việt Nam mới tiến ra được thị trường thế giới" – đại diện Samsung Việt Nam đưa ra lời khuyên.
Bà Đào Thị Thu Huyền, quản lý cấp cao Canon Việt Nam cho biết, số lượng nhà cung cấp linh kiện cho Canon Việt Nam là 340 DN toàn cầu, trong đó có 147 DN Việt Nam, nhưng DN thuần Việt Nam chỉ khoảng 20 DN. “Con số này chưa tăng trong mấy năm nay. Mặc dù tỷ lệ nội địa hóa 65% khá cao nhưng chủ yếu DN nước ngoài và DN nội chế của Canon…” - bà Huyền chia sẻ.
Đại diện Canon Viêt Nam cho biết Canon có 59 nhóm hạng mục với 300- 400 linh kện cần cung cấp, trong khi các DN Việt Nam chủ yếu cùng cấp linh kiện nhựa, balet, bao bì,,. là những linh kiện dễ làm nhất.
Thay vì cũng cấp các linh kiện đơn giản, bà Huyền cho rằng các DN cần có sự đầu tư để sản xuất ra các thiết bị cón hàm lượng công nghệ cao hơn… “Nếu vào chuỗi, yêu cầu của khách hàng rất cao, sản phẩm toàn cầu cung cấp cho khách hàng khó tính nhất về chất lượng, giá thành… Vì họ có trách nhiệm duy trì chuồi cung ứng và cạnh tranh với các DN khác…” - bà Huyền cho biết.
Cơ hội “ngàn năm có một”
Khẳng định những thành quả đáng ghi nhận về thu hút FDI và phát triển DN khu vực tư nhân trong nước, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng hạn chế lớn nhất trong thu hút FDI là sự liên kết của các DN Việt Nam còn rời rạc, không gắn kết, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các DN nhỏ và DN có qui mô lớn hơn, giữa DN Việt Nam và các DN FDI; mức độ tham gia của DN Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu còn rất khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng.
2 nguyên nhân được Bộ trưởng chỉ ra là: Thứ nhất, các DN FDI, DN lớn thường đã có sẵn hệ sinh thái riêng đi theo và có chuỗi cung ứng sẵn sàng, hoặc tự phát triển chuỗi khép kín. Do đó, cơ hội để các DN Việt Nam khác tham gia được vào chuỗi giá trị do các DN này dẫn dắt là rất khó;
Thứ hai, đa số các DN nhỏ và vừa Việt Nam có trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế cả về lượng và chất; hầu như không có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất; nâng cao năng suất và chất lượng lượng sản phẩm để có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng lớn trong nước và quốc tế.
“Đôi lúc DN còn tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư nâng cấp tiêu chuẩn nên chưa thể có những bước đi đột phá...”- Bộ tưởng nhận xét. Ông cũng trăn trở khi chia sẻ câu chuyện các đối tác nước ngoài nói với ông rằng “Hình như các DN Việt Nam chưa muốn lớn!”, rằng câu chuyện “con gà, quả trứng” bấy lấu nay đang làm mất đi cơ hội của DN Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị bền vững…
Với một loạt yếu tố mới: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW trong đó nhấn mạnh mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, tạo tác động lan toả, gắn kết với các DN Việt Nam, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa với 1 trong 3 nội dung trọng tâm là hỗ trợ các DN nhỏ và vừ tham gia sâu vào mạng lưới liên kết, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế; Và tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới; các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới.
Theo Bộ trưởng, đây thực sự là cơ hội giúp các DN Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cấu trúc DN theo hướng hiệu quả, bền vững hơn.
"Để gỡ nút thắt “con gà, quả trứng”, sự nỗ lực của DN chưa đủ mà các cấp, các ngành cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ DN chớp lấy thời cơ "ngàn năm có một", nhằm phục hồi và phát triển chuỗi giá trị bền vững, tạo đà bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế"- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị.