Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch: Còn khoảng cách từ chính sách đến thực thi

(PLVN) - Có khoảng 95 văn bản về các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) đã được ban hành, nhưng theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khoảng cách từ chính sách đến thực thi vẫn còn lớn.
Diễn đàn chính sách “Hỗ trợ DN nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19”.
Diễn đàn chính sách “Hỗ trợ DN nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19”.

90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng

Phát biểu tại Diễn đàn chính sách “Hỗ trợ DN nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi” do VCCI  phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 8/12, Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc cho biết, mặc dù Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia đi đầu trong khống chế dịch bệnh song tác động tiêu cực từ thế giới, từ những biện pháp đối phó với đại dịch Covid 19, Việt Nam và cộng đồng DN Việt Nam đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề, hoạt động kinh doanh đình đốn. 

Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, ông Lộc cho rằng mặc dù tới tháng 11 năm 2020 chỉ có 15,4 nghìn DN đã hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019) nhưng con số DN phải tạm dừng hoạt động kinh doanh thì lên tới 44,4 nghìn DN (tăng 59,7% so với cùng kỳ năm 2019). “Như vậy, trung bình mỗi tháng có hơn 5.400 DN phải tạm dừng hoạt động kinh doanh hoặc giải thể”- Chủ tịch VCCI lưu ý.

Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, khảo sát của VCCI cho thấy có đến 90% DN cho biết DN bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Covid-19 với những diễn biến khó lường đã và đang tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại đầu tư và tới tất cả các nhóm DN khiến cho doanh thu năm 2020 của khu vực DN dân doanh giảm 72% và của các DN có vốn đầu tư nước ngoài giảm 69% so với năm 2019…”- ông Tuấn thông tin và cho rằng năm nay tỷ lệ DN ngừng hoạt động tăng mạnh. “Tôi tin rằng tỷ lệ DN hoàn tất thủ tục phá sản thời gian tới còn lớn hơn..”- Trưởng ban Pháp chế VCCI quả quyết.

Sáng kiến nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp

Trong bối cảnh khó khăn, dịch bệnh lại cả thiên tai dồn dập bất thường, dù ngân sách nhà nước đang rất eo hẹp nhưng Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN chịu tác động từ Covid-19.

Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19. Theo rà soát của VCCI, để thực hiện chỉ thị này, các Bộ ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc và ban hành khoảng 95 văn bản về các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của DN. 

“Việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng DN Việt Nam. Một thông điệp vô cùng tích cực về sự đồng hành từ Chính phủ đã được lan tỏa tới cộng đồng kinh doanh…”- Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông cũng dẫn con số khảo sát của Đại học Kinh tế quốc dân công bố tháng 10/2020 cho biết có tới 80% DN thuộc diện điều tra chưa nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ và một tỷ lệ khá cao (gần 30%) không biết về các chính sách này. “Kết quả điều tra mới nhất của VCCI cũng cho thấy dù đánh giá cao tính hữu ích của của các chương trình hỗ trợ nhưng tỷ lệ DN cho biết việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ thuận lợi còn rất ít…”- Chủ tịch Vũ Tiến Lộc phát biểu.

Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, phản ánh từ nhiều DN ở các khu vực kinh tế cho thấy còn nhiều ý kiến phàn nàn, đánh giá thấp về mức độ thuận lợi khi tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ, mức độ hữu ích của chính sách hỗ trợ theo từ ngành, lĩnh vực kinh tế...

Theo ông Tuấn, nguyên nhân có thể do DN chưa biết đến thông tin về chính sách hỗ trợ, hoặc cũng có thể do chính sách hỗ trợ ban hành với nhiều yêu cầu, thủ tục; trong đó, có không ít điều kiện, yêu cầu còn máy móc, cản trở việc tiếp cận của DN…

Do vậy, Trưởng ban Pháp chế VCCI đề xuất: Cần rà soát, đánh giá lại một cách độc lập và hiệu quả thực sự của các chính sách hỗ trợ; đồng thời đẩy mạnh việc tham vấn, lấy ý kiến của đối tượng tác động, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để đảm bảo tính khả thi của chính sách khi được ban hành…

“Chúng ta không chỉ chống chịu Covid-19, mà trong thời gian tới còn phải chống chịu với thiên tai, biến đối khí hậu. Làm thế nào tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, của DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa? Chúng ta cần sự chung tay, không chỉ của DN mà cả cộng đồng quốc tế. Chúng tôi đã bàn bạc và đi đến thống nhất sáng kiến nâng cao khả năng chống chịu của DN nhỏ và vừa để đối phó với dịch bệnh và thiên tai”- Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Ông Lộc cũng cho biết sẽ có một liên minh kết nối mạng lưới DN để cùng Chính phủ nâng cao sức chống chịu của DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. “Diễn đàn này là sự khởi động cho một chương trình như thế. Có thể chương trình này mang tên là “Cây tre Việt Nam”, với hàm ý về sự dẻo dai, sức chống chịu của cây tre. Qua đó,  các chính sách hỗ trợ DN sẽ thực sự “hỗ trợ” được DN Việt Nam bước qua giai đoạn khó khăn này, tiếp tục thúc đẩy tinh thần kinh doanh”- Chủ tịch Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Đọc thêm