Hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19: Doanh nghiệp nào được vay ở Ngân hàng Chính sách xã hội?

(PLVN) - Theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, doanh nghiệp được vay vốn ở Ngân hàng Chính sách xã hội để giải quyết một số khó khăn do tác động của dịch bệnh. Vậy, doanh nghiệp nào có thể được vay khoản tiền này?
Ảnh minh họa (chụp tháng 2/2020)

Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đã lan rộng và bùng phát tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và các nước, đối tác lớn của nước ta. 

Ở trong nước, dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng làm gia tăng thất nghiệp, mất việc làm trong ngắn hạn và tình hình có thể phức tạp hơn nếu dịch bệnh kéo dài.

Nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, người lao động cả nước, góp phần ổn định xã hội, Chính phủ đã có Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về thực hiện một số biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trong đó, tại điểm 2 Mục II Nghị quyết này, Chính phủ cho phép doanh nghiệp vay lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Cụ thể, người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

Như vậy, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính và đáp ứng điều kiện trên thì được hỗ trợ vay vốn với chính sách ưu đãi để thực hiện việc trả lương cho người lao động.

Trong Bộ luật Lao động, tại khoản 3 Điều 98 (Tiền lương ngừng việc) quy định: “Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu”.

Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người sử dụng lao động để chi trả tiền lương ngừng việc theo quy định nói trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2020.

Đọc thêm