Điểm tựa bình yên cho phụ nữ và trẻ em
Tháng 8/2018, mô hình điểm “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh” cộng đồng quận Hoàn Kiếm được triển khai thực hiện thí điểm tại 360 Phúc Tân phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của Sở LĐ-TB&XH thành phố Hà Nội.
Hà Nội lựa chọn quận Hoàn Kiếm là đơn vị triển khai thí điểm mô hình bởi lẽ quận có cơ sở vật chất khá phù hợp, đã có sẵn Trung tâm tư vấn và tiếp nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của quận. Tại đây có đội ngũ cán bộ, cộng tác viên nhiệt tình, tâm huyết, có kinh nghiệm trong tư vấn. Do đó, mô hình được triển khai nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tăng cường công tác phối hợp để hỗ trợ nạn nhân của bạo lực.
Tháng 4/2023, tại tọa đàm khảo sát, đánh giá mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cộng đồng quận Hoàn Kiếm” do Hội LHPN thành phố Hà Nội phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức thông tin cho biết, từ năm 2019-2021, thành phố có 387 vụ bạo lực gia đình, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ; từ năm 2020-2022, Tòa án thụ lý 260 vụ xâm hại trẻ em, trong đó trẻ em nữ chiếm đại đa số. Bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng ngừa bạo lực, việc phát hiện giải quyết kịp thời các vụ việc bạo lực, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em là yêu cầu cấp thiết.
Quận Hoàn Kiếm là địa bàn đã được UBND thành phố thí điểm thành lập mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cộng đồng quận Hoàn Kiếm” từ năm 2018 và cũng là mô hình liên ngành hỗ trợ nơi ở an toàn, y tế, pháp lý, tâm lý cho nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới. 5 năm qua, địa chỉ đã tiếp nhận và hỗ trợ 12 trường hợp bị bạo hành, xâm hại vào nhà tạm lánh...
Xúc tiến thành lập “Mô hình liên ngành một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại” - đó là thông tin được Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, tại tọa đàm. Theo đó, thực hiện Quyết định số 3101/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026”, thành phố giao Hội LHPN thành phố Hà Nội chủ trì nghiên cứu, thành lập “Mô hình liên ngành một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại”.
Mô hình liên ngành tới đây được thành lập với mục tiêu đặt ra là phối hợp thực hiện hỗ trợ ban đầu, giúp nạn nhân bị bạo lực, xâm hại ổn định tâm lý, sức khỏe, tư vấn pháp luật, hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ kết nối tới các cơ quan điều tra, đảm bảo an toàn cho nạn nhân. Việc đánh giá các hoạt động, cơ chế phối hợp trong tổ chức triển khai mô hình “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh cộng đồng quận Hoàn Kiếm” sẽ giúp cung cấp dữ liệu cho Hội LHPN Hà Nội trong quá trình nghiên cứu, triển khai thành lập thí điểm Mô hình liên ngành.
Bà Trịnh Thị Huệ - Chủ tịch Hội LHPN quận Hoàn Kiếm, Phó ban quản lý mô hình đề xuất cần tiếp tục duy trì các hoạt động của mô hình, đồng thời cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Phụ nữ, cán bộ Hội trong công tác tuyên truyền, phòng ngừa, phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng, kịp thời hỗ trợ các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực…
Sự vào cuộc cả trung ương và địa phương
Vấn đề này được đề cập tại Hội thảo truyền thông vận động xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tổ chức đầu tháng 11/2023.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, tại Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới nói chung và phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là một trong những nội dung được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan không ngừng quan tâm và cam kết thực hiện thông qua các giải pháp về mặt thể chế, chính sách, truyền thông, nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, nghiên cứu, xây dựng thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Sự quan tâm, vào cuộc của các Bộ, ngành, cơ quan đối với công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới còn được thể hiện thông qua các cơ chế phối hợp liên ngành để giải quyết các khía cạnh khác nhau của bạo lực trên cơ sở giới như: Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình; Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giữa Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao; Quy chế phối hợp về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em giữa Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, Bộ Công an....
Cũng theo bà Hà, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới vẫn tồn tại khá phổ biến, điều đáng quan tâm là phần lớn phụ nữ bị bạo lực vẫn chưa tìm kiếm sự giúp đỡ từ các dịch vụ hỗ trợ chính thức hoặc từ chính quyền địa phương. Hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ vẫn còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực và kỹ năng của cán bộ, đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan vẫn chưa thống nhất, đồng bộ đã ảnh hưởng đến chất lượng công tác hỗ trợ cho người bị bạo lực và tạo tâm lý e ngại cho người dân khi cần hỗ trợ.
Tháng 8/2022, tại cuộc họp định kỳ “Mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” do Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam tổ chức, con số cho thấy, theo khảo sát trực tuyến với 4.673 người tham gia về nhu cầu tiếp cận dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới có 37,6% phụ nữ bị bạo lực tìm kiếm sự trợ giúp, so với nam giới là 32,9%. Khảo sát về vấn đề an toàn cho phụ và trẻ em với 3.160 người tham gia có 22,9% người tham gia khảo sát cảm thấy không an toàn khi đi lại ở nơi công cộng (70% là phụ nữ, 20,4% là nam giới, 6,8% trẻ em gái và 2,8% trẻ em trai). Duy trì và nhân rộng các mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; duy trì hiệu quả hoạt động của Mạng lưới là những mục tiêu quan trọng để hoàn thiện Khung theo dõi, đánh giá Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định cần thiết phải mở rộng và nâng cao chất lượng mạng lưới dịch vụ hỗ trợ, giúp đỡ người bị bạo lực, đặc biệt, cần có sự vào cuộc, kết nối, phối hợp chặt chẽ của tất cả các cơ quan và tổ chức liên quan ở cấp trung ương cũng như địa phương.
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, ông Matt Jackson cho rằng để có thể bảo đảm việc hỗ trợ kịp thời, lấy người bị bạo lực làm trung tâm cần phải có một quy chế phối hợp liên ngành và tiếp tục đầu tư để nhân rộng mô hình này. “UNFPA cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng quy chế phối hợp liên ngành ở cấp quốc gia và cấp địa phương, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và để không ai bị bỏ lại phía sau. Quy chế phối hợp liên ngành sẽ bảo đảm nỗ lực phòng chống và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được toàn diện, xuyên suốt và người bị bạo lực trên cơ sở giới có thể tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ một cách kịp thời và có chất lượng cho dù họ sống ở bất cứ đâu trong bất cứ hoàn cảnh nào” - ông Matt Jackson khẳng định.
Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Cơ quan Liên Hợp quốc tại Việt Nam và Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 tại trụ sở Tổng Công ty Hàng không Việt Nam vào ngày 10/11/2023. Việc lựa chọn chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” cho Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 (diễn ra từ ngày 15/11-15/12) thể hiện ưu tiên và nội dung trọng tâm của Việt Nam hiện nay trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, nhằm phát huy năng lực, vai trò, tiềm năng của phụ nữ và nam giới cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.