Doanh nghiệp không thể không coi trọng pháp luật
Một bài học đắt giá vẫn được nhắc đến trong đề cao vai trò của pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chính là vụ thua kiện của Vietnam Airlines (VNA). Cụ thể, VNA có ký hợp đồng thuê Công ty Falcomar (Italy) làm đại lý hàng không tại nước này. Từ tháng 9/1991 đến tháng 12/1992, Falcomar thuê Luật sư Maurizio Liberati thực hiện một số công việc với tư cách đại diện cho VNA. Ông này sau đó kiện ra tòa yêu cầu Falcomar và VNA thanh toán chi phí chỉ vào khoảng 90 nghìn USD cho những công việc ông đã thực hiện. Vụ việc được tòa án Roma xét xử ngày 30/11/1995, nhưng VNA không cử đại diện tham dự, dù đã được Đại sứ quán Italy tại Việt Nam chuyển giấy thông báo.
Theo phán quyết của tòa án Roma, VNA phải trả hơn 1,3 triệu euro trong 30 ngày (chưa kể lãi) kèm cảnh báo nếu không thanh toán sẽ bị áp dụng một số hành động pháp lý khác. Đầu tháng 2/2004, VNA nhận “trát” của Ủy ban đòi nợ và tịch biên Cộng hòa Pháp (phán quyết của tòa án Italy được chuyển sang Pháp thực hiện) về việc phong tỏa hơn 1,3 triệu euro tại một tài khoản BST (thu bán đại lý) của hãng để thanh toán cho ông Liberati.
Thời điểm đó, luật sư tư vấn cho VNA cho rằng có nhiều khả năng sẽ đảo ngược được tình thế tại phiên phúc thẩm nên VNA không thi hành phán quyết trên mà xin hoãn thi hành án. Bản thân một số quan chức của VNA cũng lạc quan về khả năng thắng kiện của phía Việt Nam vì “nhầm lẫn” rằng VNA không phải chịu trách nhiệm với cả những nhân công mà các đại lý đã thuê làm việc. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm ngày 9/3/2006 của Tòa phúc thẩm Paris (Pháp) đã tuyên buộc VNA phải trả tới 5,2 triệu euro cho ông Liberati – gấp nhiều lần so với số tiền ban đầu, chưa kể chi phí luật sư cùng những khoản tiền khác theo quyết định của tòa án.
Dẫn chứng lại vụ việc vô cùng đáng tiếc trên, trong lời phát biểu khai mạc hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh vai trò của Nghị định 66 với tư cách là cơ sở pháp lý đầu tiên và quan trọng quy định về công tác hỗ trợ pháp lý (HTPL) cho doanh nghiệp. Qua gần 10 năm thi hành Nghị định 66 đã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và sử dụng dịch vụ pháp lý của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Tú, công tác HTPL cho doanh nghiệp còn rất nhiều bất cập như việc triển khai Nghị định 66 còn mang tính hình thức, có sự trùng lặp các hoạt động HTPL giữa các bộ với nhau, giữa các đơn vị trong cùng 1 bộ; kinh phí còn dàn trải, chưa tập trung. Đáng chú ý, mặc dù thuộc top 5 trong số 30 chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng hiệu quả của công tác HTPL cũng chỉ được doanh nghiệp “chấm điểm” đạt mức khá và trung bình…
Ông Tú hy vọng, những bất cập này sẽ có giải pháp tháo gỡ, định hướng trong thời gian tới để đảm bảo thực thi chế định HTPL cho doanh nghiệp tại Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một định hướng được ông Tú đưa ra là chuyển hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp thông qua hiệp hội, các tổ chức trung gian, hành nghề luật sư.
Phát huy các sáng kiến về HTPL cho doanh nghiệp
Từ thực tiễn giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Phương Bắc cũng nêu ví dụ về một vụ việc cụ thể của doanh nghiệp mà 3 sở, ngành tham gia trả lời đều có lý song vẫn không gỡ được vướng mắc của doanh nghiệp. Nắm bắt được hạn chế của các hình thức HTPL hiện hành, Bắc Ninh đã áp dụng sáng kiến HTPL cho doanh nghiệp gắn với cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp ở Bắc Ninh – mô hình “Bác sỹ doanh nghiệp”.
Đây là văn phòng độc lập với các cơ quan quản lý nhà nước, do Viện ông Bắc vận hành, có chức năng tư vấn, chẩn đoán, đề xuất với chính quyền tỉnh về phương án phối hợp, đôn đốc giải quyết dứt điểm, nâng cao hiệu quả trong việc giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật của doanh nghiệp phát sinh trên địa bàn tỉnh. Điểm lại một số kết quả hoạt động của “Bác sỹ doanh nghiệp”, ông Bắc đúc rút, dù hỗ trợ theo hình thức nào thì việc phản ánh hoặc gửi kiến nghị không chỉ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp mà còn góp phần quan trọng vào cải thiện môi trường kinh doanh tỉnh Bắc Ninh thân thiện, an toàn và minh bạch hơn.
Đánh giá cao những thành quả đạt được và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong thi hành Nghị định 66, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Dương Đăng Huệ đề nghị tới đây phải làm rõ được khái niệm về HTPL trong Nghị định quy định về chế định này nhằm hướng dẫn quy định tại Điều 14 của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, cần nghiên cứu xem xét các hình thức HTPL hiện có đã đủ chưa, nếu không cần thiết thì không tiếp tục quy định.
Theo ông Huệ, hình thức tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp không phải là hình thức hỗ trợ; hay thực hiện quy định của Điều 10 Nghị định 66, trong trường hợp nhiều cách hiểu khác nhau thì cơ quan nhà nước phải trả lời cho doanh nghiệp như thế nào. Đặc biệt, ông Huệ cho rằng, phải thống nhất nhận thức của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị về công tác HTPL, tránh tình trạng mức độ triển khai công tác này phụ thuộc vào ý chí chủ quan của từng lãnh đạo.