Buổi tọa đàm sẽ có sự tham dự của lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, UBND tỉnh Sóc Trăng; lãnh đạo các Sở, ban ngành TP Cần Thơ và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); Các chuyên gia kinh tế, luật sư, luật gia chuyên về mảng kinh tế và nhiều doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành trong khu vực.
Kinh tế doanh nghiệp phải được phát triển trên nền tảng pháp luật
Qua 3 năm thực hiện, Chương trình Vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” đã được sự đón nhận tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương và đông đảo doanh nghiệp trong cả nước. Trong chuỗi hoạt động chương trình, nhiều tọa đàm đi sâu, đi sát vào thực tế của các doanh nghiệp, tháo gỡ những điều các doanh nghiệp còn trăn trở, vướng mắc trong quá trình kinh doanh, sản xuất.
Doanh nghiệp là “mắt xích” quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh phát triển kinh tế. Doanh nghiệp bền vững thì kinh tế mới hưng thịnh. Theo đó, phát triển bền vững trên nền tảng thượng tôn pháp luật là vấn đề cấp thiết, được quan tâm hàng đầu. Thực hiện tốt điều này, sẽ nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thu hút nguồn nhân lực, các nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.
ĐBSCL là một vùng đất giàu tiềm năng, được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi các điều kiện phát triển lúa gạo, cây ăn trái và thủy hải sản. Vùng đóng góp 40% giá trị sản xuất nông nghiệp, trên 50% sản lượng lúa, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây. Nơi đây được xem là vựa lúa, vựa thủy sản lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, do chưa coi trọng và đầu tư đúng mức vào bộ phận pháp chế, pháp lý doanh nghiệp nên trong quá trình đầu tư và phát triển các ngành hàng này, doanh nghiệp ĐBSCL gặp không ít khó khăn, trở ngại.
Đối với các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, nếu không kịp thời cập nhật những quy định, cơ chế, chính sách mới thì vô tình tạo nên rào cản rất lớn trong xuất, nhập khẩu, bỏ qua những “ưu đãi” mà Đảng và Nhà nước dành cho doanh nghiệp,… Đồng thời, nông, thủy sản được xem là ngành xuất khẩu trọng yếu của Việt Nam, luôn được sự quan tâm của lãnh đạo trung ương và địa phương nên sẽ thường xuyên có những văn bản, chính sách mới để thúc đẩy xuất khẩu phát triển. Doanh nghiệp không bắt kịp sẽ phải “chịu thiệt” trong kinh doanh.
Cầu nối tháo gỡ khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp
Tọa đàm “Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trong xuất, nhập khẩu nông, thủy sản” là cầu nối giữa nhà quản lý, lãnh đạo địa phương với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Đây là cơ hội để các nhà quản lý, lãnh đạo địa phương có cơ hội lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Qua đó, kịp thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có biện pháp tháo gỡ giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư và phát triển tại địa phương.
Qua sự kiện này, còn giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về lợi thế của việc phát triển bền vững trên cơ sở thượng tôn pháp luật. Nhìn nhận đúng giá trị của công tác này để có sự quan tâm đúng mức, để doanh nghiệp đi đúng đường, phát triển đúng hướng và bền vững vươn xa. Ngoài ra, tọa đàm còn là nơi để các doanh nghiệp có uy tín của khu vực ĐBSCL gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đưa ra các kiến nghị, đề xuất với các cơ quan chức năng nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, lâu bền.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia kinh tế trình bày về tình hình xuất nhập, khẩu nông, thủy sản của Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng: triển vọng, tiềm năng phát triển của hoạt động xuất, nhập khẩu nông, thủy sản; Các chính sách của Nhà nước liên quan đến xuất, nhập khẩu. Đồng thời, dưới góc nhìn nhà quản lý sẽ thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc trong các quy định pháp luật mà doanh nghiệp xuất nhập khẩu thường gặp và đưa ra một số giải pháp, đề xuất tháo gỡ.
Ở góc độ pháp lý, các luật sư, luật gia sẽ trình bày Tổng quan pháp luật về hợp đồng thương mại quốc tế và giải quyết tranh chấp từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng các hoạt động để doanh nghiệp phát triển bền vững dưới góc độ pháp luật.
Vào năm 2018, tại Cần Thơ, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức chương trình tọa đàm Vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững”.
Tại hội nghị, lãnh đạo địa phương, nhà quản lý các doanh nghiệp đều nhất trí cho rằng, doanh nghiệp muốn khẳng định vai trò và vị trí của mình trong nền kinh tế phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật, sáng tạo, chuyên nghiệp, trách nhiệm với môi trường, xã hội. Thiếu thượng tôn pháp luật chính là đánh mất niềm tin của đối tác, của khách hàng.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Nguyên Hàm Vụ phó Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, để doanh nghiệp thượng tôn pháp luật, pháp triển bền vững phải đảm bảo 2 yếu tố: Về phía Nhà nước, việc ban hành và thực thi pháp luật phải thực sự dân chủ, công bằng, bình đẳng; hệ thống các quy định pháp luật phải minh bạch, đồng bộ, nhất quán; Về phía doanh nghiệp, phải nhìn nhận đúng đắn về pháp luật, không chỉ coi pháp luật là công cụ quản lý của Nhà nước mà phải thực sự coi pháp luật là công cụ để doanh nghiệp tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình, để giám sát, đánh giá hoạt động của các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước.
Từ đó, Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP HCM yêu cầu, các doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt các quy định của pháp luật đối với hoạt động của doanh nghiệp mình. Biết luật, hiểu luật, tuân thủ, thượng tôn pháp luật mới có thể ổn định để yên tâm kinh doanh, phát triển bền vững.