Nhiều vụ việc trẻ em còn rất nhỏ đã bị xâm hại tình dục
Đây cũng là mục tiêu hướng tới của Tọa đàm “Thách thức và giải pháp trong công tác hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục” do Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam vừa tổ chức vào cuối tháng 10/2023. Tại Tọa đàm, những con số do Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra khiến nhiều người giật mình.
Cụ thể, theo bà Nguyễn Thuận Hải, Trưởng Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cho biết, trong 9 tháng qua, tổng số cuộc gọi đến tổng đài là hơn 238.000 cuộc, trong đó 92 ca gọi đến có nhu cầu hỗ trợ, can thiệp xâm hại tình dục (XHTD). Phân tích 467 ca gọi đến có nhu cầu hỗ trợ, can thiệp XHTD trong các năm 2021, 2022 và 9 tháng năm nay, số ca xâm hại trẻ em (dưới 16 tuổi) là 440 ca, với 442 trẻ em. Nhiều vụ việc trẻ em còn rất nhỏ đã bị XHTD (14 trẻ em từ 0 - 3 tuổi, 33 trẻ em từ 4 - 6 tuổi). Có tới 28,2% thủ phạm XHTD trẻ em là người thân của trẻ.
Tháng 9/2023, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, tội phạm xâm hại XHTD trên địa bàn tỉnh đang gia tăng một cách đáng báo động. Theo thống kê của Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 22 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi, riêng trong tháng 7 và tháng 8 xảy ra 9 vụ. Đối tượng phạm tội đa số còn rất trẻ và thường có mối quan hệ quen biết, thậm chí có quan hệ thân thích, họ hàng với nạn nhân. Không chỉ ở Bình Dương, ở nhiều địa phương khác, tình hình cũng diễn biến phức tạp, đơn cử như trường hợp bé gái 5 tuổi ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị xâm hại dẫn đến tử vong; bé gái 2 tuổi ở Bình Thuận bị XHTD bởi người quen của gia đình...
Hỗ trợ trẻ bị xâm hại tình dục - cần giải pháp kịp thời
Cũng theo Công an tỉnh Bình Dương, hiện nay công tác điều tra xử lý các vụ XHTD còn gặp nhiều khó khăn, có trường hợp đã xảy ra rất lâu thì bị hại và gia đình mới tố giác do lo sợ và chọn cách im lặng. Một nguyên nhân khác là bị hại và đối tượng quen biết rồi tự nguyện quan hệ tình dục nên cũng không khai báo... Ở góc độ Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, bà Nguyễn Thuận Hải cũng cho biết: “Số vụ việc xâm hại qua môi trường mạng đang có chiều hướng gia tăng, nhưng việc hỗ trợ can thiệp cho nhóm đối tượng trẻ em bị xâm hại trong môi trường mạng còn bất cập vướng mắc trong việc xác minh cũng như hỗ trợ can thiệp”...
Theo bà Nguyễn Thuận Hải, bên cạnh tình trạng cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em không nắm được quy trình can thiệp hỗ trợ trẻ đợi kết luận từ công an chậm trễ; chưa có đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp cấp xã; thiếu các dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em bị xâm hại tình dục, nhất là dịch vụ đánh giá tham vấn trị liệu về tâm lý... thì các chính sách hỗ trợ còn bất cập và chưa đáp ứng được nhu cầu.
Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách về trẻ em như ban hành quy trình tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, chính sách trợ giúp trẻ em bị xâm hại; tổ chức các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức phòng, chống xâm hại trẻ em về những quy định pháp luật liên quan đến xâm hại trẻ em, trong đó có XHTD trẻ em; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội trợ giúp cho trẻ em tại các trung tâm công tác xã hội về hỗ trợ tâm lý cho trẻ em bị xâm hại; hỗ trợ tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho nhân viên tư vấn Tổng đài 111 liên quan đến thu thập chứng cứ bằng chứng các vụ việc XHTD trẻ em, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng mua bán người..., bà Nguyễn Thuận Hải nêu đề xuất.
Về phần mình, Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam cũng cho biết, trẻ em là nạn nhân của XHTD sẽ phải đối mặt với các vấn đề “vết thương trong tâm trí hoặc trên cơ thể ngay lập tức và âm ỉ trong nhiều năm sau đó” khiến chất lượng cuộc sống của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn, trẻ trải qua XHTD có nguy cơ tăng gấp 2 - 3 lần tái trở thành nạn nhân khi trưởng thành...
Theo ThS. Tô Thị Hạnh - Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam, nếu được hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là các ca hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em trong tình trạng khẩn cấp do bị xâm hại tình dục bạo lực nghiêm trọng, trẻ sẽ thấy được tôn trọng, được hiểu, từ đó có niềm tin và có mối quan hệ kết nối với người trợ giúp, để sẵn sàng chia sẻ với người hỗ trợ và kết nối được với bên thứ ba (công an, bác sĩ, luật sư và kết nối lại với người chăm sóc); trẻ chấp nhận sự việc đã xảy ra trong quá khứ để tự tin hơn thông qua việc trẻ hiểu về quyền, lợi ích và nhìn nhận hợp lý sau sự việc...
Tuy nhiên, cũng theo bà Tô Thị Hạnh, việc hỗ trợ tâm lý cho trẻ em trải qua XHTD cũng đang gặp nhiều khó khăn như: định kiến từ chính những người chăm sóc và hỗ trợ; cán bộ làm công tác trẻ em xuất hiện những dấu hiệu căng thẳng, bất lực dẫn đến nguy cơ tái sang chấn cho trẻ; vấn đề tập huấn ngắn hoặc tập huấn dài hạn về hỗ trợ tâm lý cho trẻ em mới tập trung ở một số địa điểm nhất định...
“Một trong những bài học kinh nghiệm của Hagar là sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức bảo vệ hỗ trợ trẻ em rất cần thiết để có thể can thiệp sớm và phù hợp. Ngoài việc hỗ trợ trẻ thì cần hỗ trợ cả gia đình và cán bộ hỗ trợ phải có kiến thức phù hợp để đánh giá được các khía cạnh trẻ bị ảnh hưởng trước mắt và cả về sau. Vì thế, vấn đề duy trì nâng cao năng lực và thực hành công tác bảo vệ hỗ trợ trẻ ở cấp độ tổ chức và với các nhóm cán bộ cộng đồng; kết hợp giữa tập huấn và kiểm huấn/hỗ trợ cán bộ bảo vệ và hỗ trợ trẻ tại địa phương; duy trì các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhóm cán bộ... là rất cần thiết”, theo bà Tô Thị Hạnh.
Về môi trường bị xâm hại: có 278/442 trẻ em bị XHTD ngoài cộng đồng (62,9%); 90 trẻ em bị XHTD trong gia đình (20,4%); 74 trẻ em bị XHTD trong nhà trường. Về thủ phạm xâm hại trẻ em: hàng xóm (23,8%); bạn bè/người yêu của trẻ (21,5%); người lạ (15,8%); bố đẻ có 43 trường hợp, chiếm 9,7%; người thân của trẻ, họ hàng, ông bà, anh chị em (9,0%); bố dượng (8,6%); giáo viên/cán bộ nhà trường (3,2%) và các đối tượng khác chiếm (8,4%).
Nguồn: Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111