Thực trạng báo động
Nhắc đến các vụ xâm hại tình dục trẻ em từng thực hiện giám định tại Trung tâm Pháp y Hà Nội (TTPYHN), các giám định viên, bác sĩ giám định nhớ ngay đến vụ việc xảy ra năm 2021 khi Trung tâm tiếp nhận giám định cho bé gái N.T.L (tên nhân vật đã được thay đổi) sinh năm 2008 bị chính anh trai ruột xâm hại tình dục nhiều lần trước sự thờ ơ đến đau lòng của cha mẹ.
Sự việc bắt đầu từ tháng 1/2021, khi bé gái N.T.L đang ngủ trong phòng riêng thì bị anh trai sinh năm 2005 ép thực hiện giao cấu. Sự việc diễn ra suốt một thời gian dài và bé gái đã “mách” với cha mẹ. Điều đáng buồn là cha mẹ chỉ mắng và cấm người anh quan hệ tình dục với em gái, nhưng sự việc vẫn tiếp tục xảy ra. Đến tháng 9/2022, sau nhiều lần cầu cứu cha mẹ bất thành, bé gái đã kể cho chị gái của người bạn thân nghe và được hướng dẫn gọi đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để trình báo sự việc.
Sau khi tiếp nhận vụ việc, ngay lập tức, cơ quan bảo trợ trẻ em đã phối hợp với Công an đưa bé gái đến TTPYHN giám định. Đến 23h cùng ngày, việc khám giám định đã có kết quả sơ bộ, màng trinh có vết rách cũ cho thấy nạn nhân có thể đã có quan hệ tình dục từ trước. Trên mẫu quần lót, thu được mẫu nghi ngờ là dấu vết tinh dịch của nam giới. Sau thời gian chờ làm xét nghiệm gen, kết quả trùng khớp với người anh trai.
Điều đáng nói, đây chỉ là một trong nhiều vụ xâm hại trẻ em từ chính những người thân trong gia đình mà TTPYHN từng tiếp nhận giám định trong thời gian qua. Theo thống kê, trong các vụ xâm hại ở nữ giới ở độ tuổi từ 10 đến trên 16 được đưa đến giám định tại TTPYHN từ năm 2022 đến đầu năm 2023 thì số trẻ nữ có quan hệ tình dục trong độ tuổi từ 13 đến 15 dao động từ 46% đến 60% trong tổng số vụ việc đến giám định. Một số lượng ít bé gái có quan hệ tình dục trong độ tuổi 10 đến 12, thậm chí trước cả khi có kinh nguyệt. Một số trường hợp đến giám định trong độ tuổi 13 đến 15 và đã hoặc đang có thai, thường những trường hợp này có chỉ định phá thai vì cơ thể trẻ chưa phát triển đầy đủ cho việc sinh nở, làm mẹ.
Cũng theo TTPYHN, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như các em ở độ tuổi đang bắt đầu dậy thì, thiếu hụt kiến thức về sức khỏe sinh sản… Nhưng thực tế cho thấy nguyên nhân chính vẫn là sự lơ là, bỏ bê, thiếu sự sát sao, giáo dục của gia đình, cá biệt còn có nạn nhân bị chính người thân trong gia đình lợi dụng vai vế huyết thống để ép buộc quan hệ.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - Giám đốc TTPYHN cho biết, qua công tác giám định thời gian qua tại Trung tâm, có thể thấy vấn đề quan hệ tình dục sớm ở trẻ em cũng như vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, cần thiết phải có sự báo động về số lượng và mức độ nghiêm trọng của những vụ việc.
Theo bà Yến, “thống kê tại TTPYHN trung bình mỗi năm có khoảng 200 - 300 vụ án xâm hại tình dục đến khám, trong đó nạn nhân là trẻ em chiếm tới 80 - 90%. Trong đó, rất đau lòng khi nhiều nạn nhân là trẻ em dưới 10 tuổi, có nhiều nạn nhân là trẻ chậm phát triển, thủ phạm là những người rất thân thiết với trẻ em trong gia đình như cha đẻ, cha dượng, anh em ruột, họ hàng, thầy giáo… Một điều đáng lo lắng nữa là hiện nay do trẻ sử dụng mạng xã hội, Internet sớm mà thiếu sự kiểm soát, hướng dẫn của cha mẹ, người lớn nên dẫn đến việc trẻ trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục do thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, cũng như ngộ nhận đó là sự thể hiện tình yêu trong gia đình”.
Các vụ xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng. (Nguồn ảnh: Interrnet) |
Giải pháp từ chuyên gia
Tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt - Pháp 2023 ngày 15/8 vừa qua, một con số do các bác sĩ đưa ra đã để lại nhiều suy ngẫm. Đó là ở Việt Nam, tỷ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên tăng từ 0,4 lên 1%, gấp đôi so với thập niên trước, nhiều em chỉ mới 12 tuổi, phá thai khi đã to. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Trường Đại học Y Hà Nội, phát hiện trong hơn 4.700 hồ sơ đình chỉ thai nghén tự nguyện tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong năm 2022, có 51 trường hợp là trẻ vị thành niên, chiếm hơn 1%. 27 em trong số này bỏ thai dưới ba tháng tuổi (53%), còn lại phá thai to trên 12 tuần. Độ tuổi trung bình của nhóm đối tượng này là 15,7 tuổi, trong đó có trẻ nhỏ tuổi nhất là 12, lớn tuổi nhất là 18. Đa số trẻ còn đi học (chiếm hơn 96%), 2 trường hợp không đi học, 1 trường hợp có tiền sử phá thai. Trong số trẻ này, chỉ có 3 trẻ vị thành niên (chiếm 5,8%) sử dụng biện pháp tránh thai. Điều này phản ánh, trẻ vẫn còn thiếu kiến thức về phòng tránh thai, về sức khỏe sinh sản. Thậm chí, có trẻ không biết mình mang thai, khi phát hiện thì thai đã lớn, đồng nghĩa với việc càng làm tăng nguy cơ thất bại, cũng như các tai biến khi muốn phá thai ở giai đoạn này.
Điều đáng nói là không phải đợi đến hội thảo này thì hồi chuông báo động về tình trạng mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên mới được gióng lên. Tại Việt Nam, phần lớn phụ huynh mới chỉ quan tâm chăm lo cho con em về học hành, vật chất mà hiếm khi quan tâm đến chuyện tư vấn, hướng dẫn cho các em về sức khỏe sinh sản, thậm chí vì sợ con cái hư sớm mà né tránh, nghiêm cấm con cái tìm hiểu về lĩnh vực này khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Chính điều này đã dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn, cũng như nguy cơ gây tổn hại cho bản thân các em ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên.
Là bác sĩ giám định công tác tại TTPYHN, bác sĩ Nguyễn Văn Tú chia sẻ: “Cũng là một người ở thế hệ Gen Z, tôi hiểu quan niệm về tình dục ở các bạn trẻ ở thế hệ này dưới góc độ là nhu cầu bình thường trong quá trình phát triển tâm, sinh lý lứa tuổi. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với việc nảy sinh những nhu cầu tình dục ở lứa tuổi dưới 16 vì lúc này chưa có sự phát triển hoàn thiện về cả tư duy và thể chất. Trẻ em cần được trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản để tự bảo vệ mình, bên cạnh đó, cha mẹ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng cho con em mình theo lối sống lành mạnh, hiểu biết”.
Bàn về giải pháp cho vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - Giám đốc TTPYHN nhấn mạnh: “Để ngăn chặn những vụ án xâm hại tình dục trẻ em thì gia đình có vai trò rất lớn trong việc giáo dục giới tính, giáo dục kiến thức sinh sản. Việc giáo dục giới tính cần được phổ biến hơn cho trẻ ngay từ những đầu năm cấp 2 từ trước khi dậy thì. Về những thay đổi sinh lý, nhu cầu tình dục, những hậu quả có thể xảy đến đối với quan hệ sớm, quan hệ không an toàn, quan hệ tình dục thô bạo, những biện pháp tránh thai an toàn… Việc giáo dục cần có sự phối hợp từ gia đình và nhà trường. Theo dõi các mối quan hệ, giao tiếp của trẻ, tuy cần quyền riêng tư nhưng việc trẻ tiếp xúc sớm với Internet, sử dụng mạng xã hội có thể truy cập những thông tin xấu, bị dụ dỗ, lôi kéo”.
Cũng theo bà Yến, việc bố mẹ quan tâm, giáo dục giới tính sớm cho con cái là bắt buộc, phụ huynh cần có biện pháp quản lý, hướng dẫn, giáo dục con em để các em có ý thức không tiếp xúc với phim ảnh không phù hợp độ tuổi quá sớm, có hiểu biết về tác hại của việc quan hệ tình dục sớm. Bậc làm cha mẹ bên cạnh việc tạo môi trường sống học tập lành mạnh cho con cái, cũng cần giáo dục cho trẻ có nhận thức về việc không cho phép người khác giới động chạm vào cơ thể trẻ, kể cả người thân và phải kể lại với người lớn ngay khi có sự việc bất thường xảy đến với trẻ.
Từ góc độ làm giám định pháp y, bà Yến cũng có lưu ý với các bậc phụ huynh, khi trẻ bị xâm hại, hãy báo ngay cho Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và cơ quan công an để giải quyết. Hạn chế việc tắm rửa, giặt quần áo đang mặc của trẻ để tránh mất dấu vết; có thể uống thuốc tránh thai sớm nếu có chỉ định, an toàn, hoặc uống thuốc phòng phơi nhiễm HIV (trong trường hợp cần thiết); tư vấn tâm lý cho trẻ, không dọa đánh, quát mắng. Việc giám định xâm hại tình dục cần được làm sớm ngay khi có thể. Không được khám sản phụ khoa trước giám định, nếu là cấp cứu thì báo công an sớm, cơ quan pháp y có thể đến bệnh viện đang cấp cứu cho trẻ và tiến hành giám định thu mẫu trong quá trình khám, cấp cứu.
TTPYHN tiền thân là Tổ chức giám định Pháp y thành phố Hà Nội được ra đời từ thập niên 1970. Ngày 13/10/2008, Quyết định số 1241/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, TTPYHN được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Giám định Pháp y Hà Nội và Tổ chức giám định Pháp y Hà Tây. TTPYHN có trụ sở tại 35 phố Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội. Tổng số cán bộ, nhân viên là 51 người.
Qua nhiều năm hình thành và phát triển, trước sự thay đổi của đời sống xã hội, yêu cầu của công tác giám định pháp y ngày càng nghiêm ngặt, đặc biệt khi Luật Giám định tư pháp lần đầu tiên ra đời vào năm 2013 và qua các lần sửa đổi, bổ sung, TTPYHN luôn nỗ lực để đáp ứng được yêu cầu đặt ra cũng như nâng công tác giám định lên một tầm cao mới, để có thể hội nhập với các nước tiên tiến trên thế giới.