Hòa Bình: Đột phá cải cách hành chính nhờ áp dụng công nghệ thông tin

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những năm gần đây, tỉnh Hòa Bình đã áp dụng hiệu quả những thành tựu của công nghệ thông tin (CNTT) tạo đột phá trong khâu cải cách hành chính (CCHC), góp phần tự động hóa, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo hướng trực tuyến.
Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Hòa Bình được triển khai có hiệu quả.
Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Hòa Bình được triển khai có hiệu quả.

CNTT và CCHC có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ

Tỉnh Hòa Bình xác định việc ứng dụng CNTT trong CCHC là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi đó, hoạt động ứng dụng CNTT và CCHC có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ, tác động qua lại, không thể tách rời nhau và cần được thực hiện đồng thời.

Thông qua hoạt động ứng dụng CNTT, bộ máy hành chính dễ dàng liên kết với nhau hơn trong thực hiện nhiệm vụ, Chính quyền cũng thông qua đó để điều hành bộ máy nhà nước một cách nhanh chóng, hiệu quả và chính xác; kiểm soát tốt hơn mọi hoạt động của cơ quan công quyền trước những biến động phức tạp của thực tiễn nền kinh tế thị trường trong giai đoạn hội nhập và phát triển.

Cao tốc Hoà Lạc – Hoà Bình được triển khai xây dựng nhanh chóng một phần nhờ các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn

Cao tốc Hoà Lạc – Hoà Bình được triển khai xây dựng nhanh chóng một phần nhờ các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn

Theo đó, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan nhà nước tại tỉnh Hòa Bình trong những năm qua đặc biệt được quan tâm triển khai thực hiện. Tính đến nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được triển khai tại 63 điểm.

Hệ thống Văn bản điều hành của tỉnh đã được kết nối từ tỉnh đến xã để thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử và kết nối với trục liên thông Quốc gia. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã triển khai sử dụng chữ ký số vào liên thông gửi nhận văn bản điện tử trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp. Tỷ lệ văn bản đi được gửi dưới dạng điện tử so với tổng số văn bản đi của tỉnh đạt trên 90%.

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã tiếp nhận 1.343 hồ sơ và chuyển trả 39.146 hồ sơ qua dịch vụ Bưu chính công ích; tiếp nhận xử lý 97.485 hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 7.920 hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước được duy trì hiệu quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả 10 huyện, thành phố và 151/151 đơn vị cấp xã.

CCHC là đòn bẩy phát triển kinh tế, xã hội

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2021-2026) xác định CCHC là trọng tâm 1 trong 4 khâu đột phá chiến lược của tỉnh, nhằm tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Ngay từ đầu năm 2021, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện triển khai đồng bộ các nội dụng CCHC. Trong đó trọng tâm sẽ tập trung vào việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm số lượng cấp phó của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp theo đúng quy định của Chính phủ; nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông;

Tăng cường tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đẩy mạnh chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp sang tự đảm bảo chi thường xuyên; ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, phấn đấu chỉ số CCHC của tỉnh đạt ở mức khá so với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trước đó, trong một thời gian dài, tỉnh Hòa Bình luôn có chỉ số năng lực cạnh tranh ở mức trung bình khá (đứng thứ 48 vào năm 2019), đã ảnh hưởng lớn đến mục tiêu thu hút đầu tư. Nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy Hòa Bình đã đặt mục tiêu mỗi năm phấn đấu cải thiện tối thiểu 3 bậc để lọt vào Tốp 30.

Đối với cải CCHC, tỉnh Hòa Bình đã chú trọng việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính. Thực hiện cơ chế giải quyết TTHC 4 tại chỗ "Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả”, đặc biệt là các nhóm lĩnh vực đăng ký kinh doanh, Công Thương, Văn hóa - thể thao và du lịch.

Với những giải pháp quyết liệt, năm 2020, tỉnh Hòa Bình đã nằm trong nhóm 11 tỉnh, thành phố có xếp hạng cao nhất cả nước về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Hòa Bình được đánh giá là tỉnh có môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn.

Hòa Bình được đánh giá là tỉnh có môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn.

Trong quý I/2021, tỷ lệ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đạt 99,8%; UBND cấp huyện đạt 99%, UBND cấp xã đạt 99,5%. Sang quý II, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết đúng hạn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đạt 99,08%; UBND cấp huyện đạt 99,45%; UBND cấp xã đạt 99,79%.

Theo đó, Chỉ số Cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân cũng đạt được những kết quả đáng mừng, đứng đầu là Sở Kế hoạch và Đầu tư xếp với tổng điểm đạt 88,94; Văn phòng UBND tỉnh 88,91 điểm; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 88,71 điểm; Sở Tài chính 88.56 điểm; Sở Tư pháp 88,49 điểm; Sở Nội vụ 88,46 điểm,… Dự kiến hết năm 2021, chỉ số CCHC của tỉnh sẽ được nâng lên đáng kể.

Đặc biệt, với sự vào cuộc quyết liệt và linh hoạt từ các cơ quan, ban ngành, nhiều dự án đầu tư xây dựng, bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng… đã được triển khai như: Dự án đô thị miền núi phía Bắc - Thành phố Hòa Bình; Dự án Khu du lịch sinh thái Thung Nai Peninsula Resort; Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình…

Nhiều nhà đầu tư cũng đánh giá Hòa Bình là tỉnh có môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, một phần là nhờ các thủ tục hành chính được triển khai nhanh gọn, ít phiền hà và đặc biệt là có sự giúp đỡ nhiệt tình từ các ban ngành trong tỉnh.

Ứng dụng CNTT, từng bước hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cách mạng khoa học – công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay. Từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Trải qua nhiều năm xây dựng và phát triển, tỉnh Hòa Bình đã áp dụng được những thành tựu của việc ứng dụng CNTT vào CCHH, xây dựng được môi trường hành chính công hiệu quả, nhanh chóng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với địa phương./.

Đọc thêm