Hòa Bình thu ngân sách 9 tháng ước đạt 4.800 tỷ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đạt 4.800 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu ước đạt 1.478 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước.

Sáng 27/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Phi Long – Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình thông tin về công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2024.

Ông Nguyễn Phi Long - Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Hòa Bình
Ông Nguyễn Phi Long - Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Hòa Bình

Cụ thể, về tình hình kinh tế: trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình (GRDP) ước tăng 7,11% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.800 tỷ đồng, đạt 83% so với Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2024.

Giá trị xuất khẩu ước đạt 1.478 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ, bằng 73,92% kế hoạch năm. Có 15 dự án đầu tư được cấp mới, 6 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được chấp thuận nhà đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 9.500 tỷ đồng.

Các dự án trọng điểm tiếp tục được Ban Chỉ đạo lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; dự kiến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu sẽ được khởi công vào ngày 29/9.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những nhiệm vụ chưa đạt mục tiêu như: giải ngân vốn đầu tư công; tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm; các chính sách chậm được ban hành (Bộ đơn giá về bồi thường tài sản trên đất) ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng của các dự án…

Về văn hóa - Xã hội: Công tác giáo dục, y tế tiếp tục được chú trọng, giáo dục đạt được một số kết quả tích cực; công tác bảo tồn phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, nhất là văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình được quan tâm; công tác đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả khá.

Bên cạnh đó, quản lý tài sản công, thiết chế văn hóa ở cơ sở còn bất cập; Kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chậm phát triển. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng chậm.

Cơ sở vật chất của một số nhà trường chưa đáp ứng yêu cầu, còn tình trạng thiếu giáo viên bộ môn; vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế; kết quả tiêm chủng mở rộng chưa đạt do thiếu vaccine....

Đọc thêm