Trước tác động của quá trình chuyển đổi số, sự xuất hiện của những công nghệ mới và quá trình hội nhập, ông Wallace nhấn mạnh việc cải cách tư pháp đang là xu hướng trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ việc đến Việt Nam theo lời mời của Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam để giúp soạn thảo về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Qua đó, ông cũng khẳng định rằng việc hòa giải, đối thoại cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.
Ông cho rằng cần phải tìm ra cách giải quyết tốt đẹp và hợp lý hơn là việc các bên đang có tranh chấp đưa nhau ra Tòa án. Chính vì thế việc xây dựng cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án là việc vô cùng cần thiết, tuy nhiên khi thiết lập hệ thống hòa giải, đối thoại thì phải tư duy mở và không nên học tập hoàn toàn cơ chế hòa giải của một nước nào đó, kể cả là Hoa Kỳ mà phải điều chỉnh sao cho phù hợp với văn hóa địa phương. Ông Wallace đưa ra lời khuyên cần phải tìm hiểu, thực hiện các chương trình thí điểm hòa giải, đối thoại tại tòa án trong thực tế. Do đó, cần chọn một vài tòa án ở các địa phương có tính đặc thù để thực hiện thí điểm.
Việc thiết kế ra một kênh riêng như vậy sẽ giúp các bên đang có tranh chấp giải quyết tranh chấp tại đó và giảm bớt đi gánh nặng cho Tòa án. Hệ thống này dự kiến sẽ được vận hành tại tòa án cơ sở cấp huyện và cần phải căn chỉnh các vấn đề còn đang vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn. Cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án chỉ nên áp dụng cho các vụ việc mang ra cho Tòa án giải quyết rồi, chứ không phải là những vụ việc ở ngoài xã hội bình thường, còn các hệ thống hòa giải thương mại, hòa giải tư ở bên ngoài vẫn diễn ra như bình thường. Qua đó, ông Wallace cho rằng kết quả từ quá trình thí điểm về số vụ việc đã giải quyết thành công bằng con đường hòa giải, đối thoại là những con số rất quan trọng nên khi thiết kế luật phải tính đến yếu tố này.
Bên cạnh đó, Thẩm phán Wallace cũng bày tỏ sự ủng hộ trong việc tiến hành các hoạt động hòa giải. Về bản chất, việc hòa giải là việc phải làm sao để các bên đang tranh chấp đến với nhau, nói chuyện với nhau một cách tự nguyện để đạt được đồng thuận dựa trên tự do ý chí. Do đó, ông cho rằng hòa giải viên giỏi không phải là người được đào tạo bài bản về luật hay thẩm phán, mà phải chọn hòa giải viên dựa trên năng lực hòa giải của người đó.
Ngoài ra, ông Wallace cũng chia sẻ một số mô hình tổ chức thi hành án dân sự tại Hoa Kỳ về thiết chế, nhân sự có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thi hành phán quyết dân sự của tòa án; mô hình quản lý nhà nước đó với thiết chế, nhân sự và hoạt động thi hành phán quyết dân sự của tòa án; cơ chế thi hành án khi pháp nhân thương mại phạm tội và đã có phán quyết có hiệu lực của tòa án;kinh nghiệm thu hút chuyên gia tham gia hoạt động giám định tư pháp; kinh nghiệm của Hoa Kỳ về quy định và tổ chức thực thi cơ chế thỏa thuận nhận tội như nội dung, điều kiện, phạm vi, quyền và nghĩa vụ đối với người phạm tội nhận tội, vấn đề oan, sai, bỏ lọt tội phạm liên quan đến thỏa thuận nhận tội…
Cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã tiếp xã giao ông John Clifford Wallace,Thẩm phán cấp cao Tòa phúc thẩm liên bang khu vực số 9 Hoa Kỳ đến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc bày tỏ sự vui mừng khi được gặp Thẩm phán Wallace tại Bộ Tư pháp. Đồng thời đánh giá cao và hy vọng những kinh nghiệm hữu ích mà Thẩm phán chia sẻ sẽ góp phần mở mang kiến thức và hỗ trợ tích cực cho các cán bộ Bộ Tư pháp trong các lĩnh vực chuyên môn công tác của mình như thi hành án dân sự, bổ trợ tư pháp, đào tạo luật và các chức năng tư pháp, hoạt động của tòa án như hòa giải, cơ chế thỏa thuận nhận tội…
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chia sẻ một số thông tin liên quan đến tình hình triển khai Thư thỏa thuận về trợ giúp thực thi pháp luật và tư pháp hình sự giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (LOA) ký vào tháng 5/2016; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Nhất là Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án hiện nay vẫn còn một số vấn đề đặt ra khi xây dựng mô hình hòa giải mới này như hạn chế về ngân sách, vấn đề tinh giản bộ máy nhà nước, tính phù hợp với chủ trương xã hội hóa một số hoạt động của các cơ quan tư pháp. Do đó, Thứ trưởng hy vọng Thẩm phán Wallace sẽ cung cấp nhiều thông tin cho các đơn vị trong và ngoài Bộ Tư pháp về cải cách tư pháp và định hình những bước đi tiếp theo.
Cảm ơn sự tiếp đón nhiệt tình của Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Thẩm phán cấp cao Tòa phúc thẩm liên bang khu vực số 9 Hoa Kỳ John Clifford Wallace nhất trí với những đề xuất của Bộ Tư pháp về những nội dung liên quan đến cải cách tư pháp. Đồng thời ông ũng bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục ủng hộ và quan tâm để quan hệhợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nói chung, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp nói riêng được tiếp tục duy trì và phát triển ngày một tốt đẹp.