Vai trò hòa giải thương mại ngày càng cao
Thông tin tại Hội thảo “Hòa giải thương mại (HGTM) - Phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, hướng tới hội nhập quốc tế” - sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và HGTM Việt Nam 2023 (VAW2023) cho biết, trong 5 năm hoạt động kể từ khi thành lập năm 2018, Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tiếp nhận 36 vụ tranh chấp với trị giá tranh chấp lên đến 1.500 tỷ đồng với đa dạng các lĩnh vực: xây dựng, mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, sở hữu trí tuệ, bất động sản, v.v... trong đó các tranh chấp xây dựng giữ trị giá lớn nhất. Tỷ lệ các bên hòa giải thành với sự trợ giúp của hòa giải và tự nguyện thi hành là 91% - một tỷ lệ được đánh giá là “rất lạc quan đối với các doanh nghiệp (DN)”.
Để có được kết quả đó, theo Chủ tịch VIAC, TS Vũ Tiến Lộc, kể từ khi Nghị định 22/2017/NĐ-CP về HGTM ra đời, một hành lang pháp lý cho hoạt động HGTM ngoài tòa án phát triển, mở đường cho các trung tâm hòa giải ra đời.
Được biết, hiện cả nước đã có 17 trung tâm HGTM được Bộ Tư pháp cấp giấy phép thành lập, 08 trung tâm trọng tài được bổ sung chức năng HGTM và hơn 100 hòa giải viên thương mại vụ việc đã đăng ký tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố. Trong đó, VMC thuộc VIAC là trung tâm hòa giải đầu tiên được thành lập.
“Kể từ năm 2018, VMC đã tiên phong trong việc quảng bá, thúc đẩy phương thức HGTM ở nước ta. VMC đã tiếp nhận và giải quyết được một số vụ tranh chấp theo thủ tục hòa giải thông thường và thủ tục hòa giải kết hợp trọng tài và thực tiễn ở VMC cho thấy việc kết hợp hòa giải với trọng tài là một quy trình ưu việt được nhiều DN lựa chọn…” - Chủ tịch VIAC nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, hiện VMC có đội ngũ 58 hòa giải viên, trong đó có 13 hòa giải viên là người nước ngoài. “Họ là những chuyên gia có uy tín trong nhiều lĩnh vực ở trong nước và quốc tế…” - Chủ tịch VIAC tự hào chia sẻ.
Vừa giải quyết tranh chấp, vừa duy trì quan hệ đối tác
Từ thực tế giải quyết các vụ tranh chấp tại VMC, Luật sư Nguyễn Trung Nam, Luật sư sáng lập Công ty Luật EPLegal, Trọng tài viên VIAC, Phó Giám đốc VMC cho biết, các vụ tranh chấp tìm đến HGTM thông thường các vụ có thời gian tranh chấp đã kéo dài; các nghĩa vụ của các bên đan xen nhau; có liên quan đến nhiều hơn 02 DN trong tranh chấp.
“Để phân định đúng sai đối với các bên đều sẽ là công việc tốn kém thời gian và chi phí. Các bên mong muốn sau khi tranh chấp được giải quyết vẫn có thể tiếp tục hợp tác với nhau …” - Luật sư Nguyễn Trung Nam cho hay.
Theo Chủ tịch VIAC Vũ Tiến Lộc, HGTM hiện nay đã rất phổ biến, đặc biệt tại quốc gia có nền kinh tế phát triển và được các cá nhân, tổ chức, DN ưa chuộng bởi những ưu điểm vượt trội so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác, nó bảo đảm được quyền tự quyết của các bên, mang tính chất tự nguyện và thân thiện, không có người thắng, kẻ thua mà hai bên cùng thắng.
“Hòa giải vừa giải quyết được công việc một cách êm đẹp, lại vừa duy trì được quan hệ đối tác bền vững và chung thủy. Hòa giải giúp các bên giải quyết được tranh chấp một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí…” - TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong chặng đường kinh doanh gập ghềnh, việc nảy sinh tranh chấp là điều không thể tránh khỏi, điều quý giá nhất là mối quan hệ giữa những đối tác, khách hàng. “Việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải vừa giúp lưu giữ mối quan hệ êm đẹp, vừa nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí…” - TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Chủ tịch VIAC Vũ Tiến Lộc khẳng định, việc nghiên cứu gia nhập Công ước Singapore là điều cấp thiết. Việc gia nhập Công ước Singapore về hòa giải sẽ mang lại những tác động tích cực và vị thế lớn cho hoạt động HGTM tại Việt Nam, đồng thời sẽ có những khó khăn, thách thức nhất định nếu Việt Nam trở thành thành viên của Công ước này.
“Trong tất cả các vụ hòa giải tại VMC, hòa giải viên đều do các bên thống nhất lựa chọn; chưa xảy ra trường hợp các bên không thể thống nhất với nhau và phải nhờ tới Giám đốc VMC chỉ định thay. Yếu tố được các bên quan tâm nhất hiện nay là: Hiểu biết chuyên môn của hòa giải viên đối với lĩnh vực tranh chấp, uy tín của hòa giải viên trong cộng đồng và kỹ năng hòa giải…
Trong thời gian tới, VMC sẽ nỗ lực tạo ra thị trường hòa giải minh bạch, chuyên nghiệp; sản phẩm hòa giải hấp thụ các xu hướng, tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp thị trường Việt Nam; đặc biệt, quan tâm phát triển các yếu tố có tính nền tảng, thúc đẩy phát triển HGTM...”.
(Luật sư Nguyễn Trung Nam, Phó Giám đốc VMC)