Hoa hậu H’Hen Niê tham gia khoanh nuôi và trải nghiệm rừng Cà Mau

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hoa hậu H’Hen Niê cùng các bạn trẻ lội bùn, gia cố lại các khu hàng rào bị hỏng do tác động của sóng. Vừa làm việc, đếm số cây mắm trắng con tái sinh tại rừng Cà Mau, cô vừa trò chuyện trực tuyến với cư dân mạng nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ rừng và trồng rừng...
Hoa hậu H’Hen Niê tham gia khoanh nuôi và trải nghiệm rừng Cà Mau

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai 13/10, Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê tham gia chương trình khoanh nuôi và trải nghiệm rừng Cà Mau, trực tiếp cùng gia cố hàng rào, căng lưới giữ hạt mắm và giám sát số lượng cây mắm được tái sinh trong khu vực 50 ha bãi bồi khoanh nuôi năm 2020.

Trong hành trình trồng rừng Cà Mau lần này do Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia và Vườn Quốc Gia Mũi Cà Mau phối hợp tổ chức, Hoa hậu H’Hen Niê được chia sẻ về vai trò to lớn của rừng ngập mặn, kỹ thuật khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng và trực tiếp đi giám sát khu vực khoanh nuôi.

Không quản ngại nắng nóng, Hoa hậu H’Hen Niê cùng các bạn trẻ lội bùn, tham gia gia cố lại các khu hàng rào bị hỏng do tác động của sóng. Vừa làm việc, đếm số cây mắm trắng con tái sinh trên diện tích 50ha rừng Cà Mau được thực hiện khoanh nuôi năm 2020, H’Hen Niê vừa trò chuyện trực tuyến với cư dân mạng nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ rừng và trồng rừng Cà Mau.

Bên cạnh những trải nghiệm tích cực khi tham gia khoanh nuôi rừng Cà Mau, không khỏi trăn trở trước những thiệt hại nặng nề do bão Noru gây ra, Hoa hậu H’Hen Niê bày tỏ mong muốn được góp sức giảm thiểu thiệt hại thiên tai cho mai sau: “Khi được trực tiếp tham gia vào hoạt động khoanh nuôi và giám sát rừng ngập mặn, Hen không khỏi xúc động vì công tác khoanh nuôi rừng thật sự vất vả và thách thức.

Những ngày gần đây, khi đồng bào miền Trung vẫn còn đang khắc phục hậu quả nặng nề do hoàn lưu bão Noru để lại, Hen không khỏi trăn trở. Hen hiểu được rừng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hạn chế sạt lở, lũ quét và thiên tai. Nhưng hiện nay, ở khắp Việt Nam, vẫn còn rất nhiều diện tích rừng nghèo kiệt cần được phủ xanh. Nhân ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai 13.10.2022, Hen mong rằng sẽ có nhiều người cùng chung tay xây dựng lá chắn xanh cho thế hệ tương lai trước thiên tai tàn khốc".

Ông Lê Văn Dũng- Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cho biết: “VQG Mũi Cà Mau đã phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng Cà Mau từ năm 2020 đến nay. Sau 2 năm thực hiện, chương trình đã cho thấy sự hiệu quả, góp phần gia tăng diện tích rừng, tăng độ che phủ rừng. Đồng thời, đây cũng là hoạt động có ý nghĩa trong việc chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu kết hợp với nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong khu vực về vai trò, ý nghĩa của rừng ngập mặn".

Việt Nam là một trong 6 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Những tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng lên đời sống người dân ngày càng rõ nét như xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ gây thiệt hại nặng nề ở miền Trung...

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, trong 5 tháng đầu năm 2022, thiệt hại về kinh tế do thiên tai lên đến 4000 tỷ đồng. Do đó, để ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai trong tương lai, cần có nhiều giải pháp khẩn trương và thiết thực cần được triển khai.

Một trong những giải pháp bền vững cần thực hiện là trồng và phục hồi rừng đầu nguồn. Tại VGG Mũi Cà Mau, hàng trăm nghìn cây mắm con đang phát triển xanh tốt trên bãi bồi trống trọc, kiên cường bám rễ, giữ đất cực Nam Tổ quốc.