Hoa hậu Quốc gia Việt Nam sẽ mặc áo dài, khoác phượng bào khi đăng quang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo ban tổ chức, điểm độc đáo của cuộc thi là dùng mã tỉnh thành để làm số báo danh cho thí sinh. Ngoài ra, trong đêm chung kết, thí sinh đăng quang sẽ mặc áo dài, khoác phượng bào.

Thạc sĩ Phạm Kim Dung - Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam - chia sẻ, điểm độc đáo nhất của cuộc thi chính là lựa chọn thí sinh cho mỗi tỉnh thành và Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024 đã chọn được 60 thí sinh. Được biết, nhiều cô gái của một tỉnh thành đủ tiêu chí vào chung kết nhưng chỉ được phép chọn một người vì format đặt ra.

“Chúng tôi mong muốn mỗi cô gái tham gia quảng bá du lịch, văn hóa, con người của tỉnh thành nơi mình sinh ra, lớn lên. Nếu đủ 63 đại diện từ các tỉnh thành, đó là kênh quảng bá rất tốt cho việc phát triển du lịch địa phương trong bối cảnh các tỉnh thành cả nước ra sức quảng bá cho văn hóa, con người ở địa phương. Điều này cũng phù hợp với chính sách phát triển du lịch Việt Nam của Nhà nước hiện nay” - CEO Phạm Kim Dung chia sẻ thêm.

Theo Trưởng ban tổ chức Hoa hậu Quốc gia Việt Nam, cuộc thi có nhiều điểm khác biệt. Ảnh: SV

Theo Trưởng ban tổ chức Hoa hậu Quốc gia Việt Nam, cuộc thi có nhiều điểm khác biệt. Ảnh: SV

Ngoài ra, đạo diễn Hoàng Nhật Nam cho biết tại cuộc thi, phần thi Trang phục Văn hóa Dân tộc được đề cao nhằm mang đến tinh thần dân tộc. Cùng với đó, điểm độc đáo là ban tổ chức dùng mã tỉnh thành để làm số báo danh cho thí sinh.

“Chúng tôi mong rằng tên thí sinh, tỉnh thành và số báo danh thì sẽ gợi nhớ đến bảng số xe và nơi mà cô ấy đến. Tôi tin rằng đây là cách để chúng ta nhớ và yêu Việt Nam hơn. 5 thành phố lớn trực thuộc trung ương có nhiều hơn một thí sinh, số báo danh đặt thêm một số đuôi theo thứ tự 1,2,3”.

Cũng theo ban tổ chức, trong đêm chung kết, thí sinh đăng quang trong tà áo dài và khoác phượng bào đặc biệt do nhà thiết kế Trần Thiện Khánh thiết kế, nhằm tô đậm thêm tính nữ và quyền lực, lộng lẫy cho người chiến thắng.

Trong khi đó, phần trình diễn trang phục dân tộc lấy cảm hứng từ 54 dân tộc anh em của top 60 thí sinh, sau đó là phần đồng diễn áo tắm cũng lần đầu tiên giới thiệu.

Nhiều thí sinh diện trang phục truyền thống tại họp báo công bố và trao sash. Ảnh: SV
Nhiều thí sinh diện trang phục truyền thống tại họp báo công bố và trao sash. Ảnh: SV

Top 30 sau sẽ được lựa chọn từ 9 người đẹp đạt giải phụ của cuộc thi và 21 người đẹp đến từ các vùng miền sẽ được trình diễn trang phục áo dài. Top 15 gồm thí sinh đến từ 6 vùng kinh tế gồm Vùng Trung du & miền núi phía Bắc, Vùng Đồng Bằng Sông Hồng, Vùng Bắc Trung Bộ & Duyên hải miền Trung, Vùng Tây Nguyên, Vùng Đông Nam Bộ, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Người đẹp được xướng tên vào top 9 gồm 8 người đẹp xuất sắc trong top 15 và một người đẹp đạt giải “Thí sinh được yêu thích nhất”. Top 9 sẽ bước vào tranh tài ở phần thi “Việt Nam trong tôi”. Sau khi được xướng tên vào top 3 và có tên Á hậu 2, hai người đẹp bước vào ứng xử top 2 để chọn ra Á hậu 1 và Tân Hoa hậu Quốc gia Việt Nam.

Hoa hậu Quốc gia Việt Nam là cuộc thi được tổ chức để tìm kiếm gương mặt đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Miss International (Hoa hậu Quốc tế). Cuộc thi tôn vinh và đề cao vẻ đẹp của người con gái Việt Nam nói chung và thiếu nữ thế hệ trẻ nói riêng theo tiêu chí “công dung ngôn hạnh”.

Ban giám khảo của cuộc thi gồm NSND Vương Duy Biên (trưởng ban), NSƯT - nhà thiết kế Đức Hùng, Hoa hậu Lê Nguyễn Bảo Ngọc, Hoa hậu Lương Thùy Linh, Á hậu Phạm Ngọc Phương Anh.

Đọc thêm