Họa sĩ của “sự sống” về cõi vĩnh hằng

Những chân dung anh vẽ, có bức vui vẻ lạc quan như “Chân dung chị Nina”, hồn nhiên ngây thơ như “Bé Ngọc Trâm”... nhưng thường là gợi suy nghĩ về những điều quý giá của sự sống. Trái tim của người họa sĩ ấy ngừng đập vào sáng 10/2.

Năm 1999, khi đang sung sức với công việc của một giảng viên Khoa Nội thất (Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp), tai nạn bất ngờ đã khiến họa sĩ Trịnh Long mất tới 80% sức khỏe, toàn thân bị liệt. Cuộc sống của anh từ đó chỉ ra vào căn phòng vừa là xưởng vẽ vừa như một phòng bệnh với thuốc men, giường bệnh, xe lăn cùng giá vẽ, bảng màu. Vượt qua những thời điểm hoang mang, đau đớn và thất vọng cực độ, anh đã tìm được niềm tin ở sự sống, tìm được điểm tựa nơi hội họa.

“Sự sống” là tên một tác phẩm và cũng là tên triển lãm duy nhất của họa sĩ Trịnh Long diễn ra vào đầu tháng 8/2009 tại Trung tâm Mỹ thuật Việt 42 Yết Kiêu, Hà Nội, sau rất nhiều nỗ lực của bản thân anh trong hơn 10 năm bị liệt.

Họa sĩ Trịnh Long
Họa sĩ Trịnh Long

Với cây bút buộc chặt vào cánh tay, anh vẽ bằng gan ruột mình, nhiều bức tranh có cả nước mắt. Những chân dung anh vẽ, có bức vui vẻ lạc quan như “Chân dung chị Nina”, hồn nhiên ngây thơ như “Bé Ngọc Trâm”... nhưng thường là gợi suy nghĩ về những điều quý giá của sự sống. Vì không còn đi được các chuyến xa, anh vẽ với tư liệu là ký ức. Những ruộng bậc thang vùng Tây Bắc, phong cảnh Sa Pa, Cát Bà... qua ký ức của anh vẫn còn nguyên vẻ thơ mộng vẫn đẹp đẽ như nó vốn có.Họa sĩ Đào Ngọc Huỳnh nhận xét, mảng tranh chân dung của Long hiền lành, bình dị nhưng mảng “siêu thực” lại dữ dội. Phải chăng anh vẽ chính những thái cực đang giằng xé tâm can anh?. Những bức “Vĩnh cửu”, “Sự sống” hay “Tự họa” là không gian bao la của trời và đất, của vũ trụ. Sự dữ dội của thiên nhiên, phảng phất đâu đó phong cách của Salvado Dali (họa sĩ Tây Ban Nha, phong cách siêu thực đầu thế kỉ XX) trong cách nhìn của anh.

Thế nhưng, gần 2 năm nay, Trịnh Long không thể vẽ được nữa vì sức khỏe không tốt. Và gần 2 tháng nay, trang blog của anh không được cập nhật, những vần thơ về tình yêu như một dấu chấm hỏi chẳng bao giờ có câu trả lời. Bởi trái tim của người họa sĩ ấy ngừng đập vào sáng 10/2, sau những cơn đau triền miên. Lễ viếng anh được tổ chức vào 15h30 ngày 11/2 tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.

Và trong số những người đến tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng, nhiều người nhận ra một phụ nữ với gương mặt u uẩn. Cô gái đã có 6 năm sát cánh bên Long chia ngọt sẻ bùi, như người bạn, như nữ hộ lý, như một bác sĩ thuần thục, người đã thay thế những ngón tay dài, trắng muốt và gầy guộc của Long để bật máy tính, pha màu, kẹp, thay những cây cọ vẽ. Một người bạn của Long chia sẻ: “Cô ấy rất thương Long...”.

Trong lịch sử văn học - nghệ thuật thế giới, có không ít những nghệ sĩ bị tai nạn dẫn đến bại liệt hoặc bất động, nhưng tác phẩm của họ được sáng tạo ra sau khi họ bị tai nạn đã chứng minh cho nghị lực sống cao đẹp phi thường còn mãi với thời gian. Như nhà văn Nga Nikolai Ostrovsky (1904-1936) với tiểu thuyết nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy” kể về nhân vật Pavel Corsaghin (chính là hóa thân của tác giả) đã là biểu tượng của niềm tin và nghị lực vươn lên của nhiều thế hệ thanh niên trên thế giới. Trong hội họa, người ta vẫn biết đến nữ danh họa người Mexico, Frida Kahlo (1907-1954) với những kiệt tác được vẽ ra từ chính nỗi đau thân thể của bà...

Tôi không dám so tác phẩm của Trịnh Long với những sáng tác của những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới kể trên, nhưng cái tên Trịnh Long và những gì anh đã làm sẽ được nhiều người nhớ mãi...

Thu Hồng

Đọc thêm