Họa sĩ già dùng cây cọ cứu cả ngôi làng

(PLO) - Cụ Huang Yung-Fu và dân làng đã mất hai năm để hoàn thành các những tác phẩm. Những bức tường xi măng cũ kỹ lần lượt được thay thế bằng những bức tranh độc đáo, rực rỡ bảy sắc cầu vồng. Mỗi con đường, cánh cửa, mỗi góc nhà ở làng là mỗi tác phẩm nghệ thuật...
Họa sĩ già Huang Yung-Fu.
Họa sĩ già Huang Yung-Fu.

Làng Cầu Vồng Caihongjuan (Rainbow village) hiện là một trong những địa điểm du lịch được quảng bá rầm rộ tại thành phố Đài Trung, Đài Loan (Trung Quốc). 

Nơi đây được biết đến là ngôi làng nhỏ rực rỡ nhiều màu sắc với những họa tiết hình thù đặc biệt, kết hợp với nhau vô cùng ngẫu nhiên. Cả ngôi làng được vẽ bởi một người lính già đã nghỉ hưu với mục đích ban đầu là phản đối chính sách di dời, phá hủy ngôi làng của chính quyền thành phố. Không ngờ từ ý tưởng hoàn toàn ngẫu hứng, “tác phẩm” của cụ ông lại trở thành địa điểm tham quan cho khách du lịch ghé thăm khi đến Đài Trung.

Ý tưởng độc đáo giải cứu ngôi làng

4h sáng, mọi thứ ở thành phố Đài Trung, miền trung Đài Loan vẫn chìm trong bóng tối. Song cụ ông Huang Yung-Fu, năm nay đã 96 tuổi, vẫn đều đặn mỗi ngày thức dậy cùng với cây bút vẽ và hộp sơn đủ loại màu tô tô, vẽ vẽ khắp các bức tường xi măng, lòng đường, vỉa hè, cửa sổ… tại ngôi làng Cầu Vồng Caihongjuan.

Cụ ông Huang Yung-Fu đã bắt đầu công việc này từ hơn 10 năm trước. Ban đầu, cụ chỉ bắt đầu trang trí bên trong phòng ngủ của bản thân, sau đó là những ngôi nhà bị bỏ hoang xung quanh. Nhưng giờ đây ngôi làng Cầu Vồng Caihongjuan đã biến thành một thế giới sống động, với đủ mọi hình ảnh vui tươi, rực rỡ. Chính những tác phẩm sặc sỡ này, ông được mọi người đặt cho một biệt danh cũng rất sắc màu, “Ông lão Cầu vồng”.

Nằm ẩn mình tại quận Nam Đồn, cách khá xa trung tâm thành phố hoa lệ Đài Trung, ngôi làng Caihongjuan ban đầu được xây dựng là nơi cư ngụ tạm thời của những cựu quân nhân vào những năm 40, 50 thế kỷ trước.

Từ đó cho đến nay, Đài Trung ngày càng phát triển và sầm uất, trong khi ngôi làng Caihongjuan bắt đầu xuống cấp và cũ kỹ. Chính vì vậy, chính quyền Đài Loan bắt đầu lên kế hoạch tái phát triển khu vực này, xây dựng các khu chung cư cao tầng.

Dần dà, một số cựu quân nhân đã nhận tiền đền bù và chuyển đi nơi khác, số khác qua đời, ngôi làng trở nên hoang vắng, buồn tẻ với vỏn vẹn 11 hộ dân. 

“Khi tôi bắt đầu sống ở đây, ngôi làng có tới 1.200 hộ gia đình. Nhưng theo thời gian mọi người bắt đầu chuyển đi hoặc qua đời. Đến năm 2008, chỉ còn lại 11 hộ gia đình, trong đó có tôi. Vì những thương tật trong thời gian đi chiến tranh, bản thân không có gia đình và tôi không còn nơi nào để đi.

Những ngôi nhà sắc màu ở làng Cầu Vồng Caihongjuan.
Những ngôi nhà sắc màu ở làng Cầu Vồng Caihongjuan. 

Năm 2010, chúng tôi nhận được giấy báo của chính phủ rằng họ muốn phá hủy ngôi làng để xây dựng những công trình mới, yêu cầu những người dần còn lại nhận tiền đền bù và chuyển đến nơi khác để sinh sống. Nhưng tôi không muốn như vậy và cố bám trụ cho đến cùng. Bởi đây là nơi duy nhất mà tôi có thể gọi là nhà. Tôi cần phải làm điều gì đó thay đổi tình hình”, cụ ông Huang Yung-Fu chia sẻ.

“Cái khó ló cái khôn”, trong hoàn cảnh ngặt nghèo, cụ ông Huang Yung-Fu nảy ra một ý tưởng độc đáo. Bằng tài năng và sự khéo léo của đôi bàn tay, cụ Huang Yung-Fu đã phủ lên tất cả các bức tường và đường phố bằng những bức tranh đầy màu sắc về mọi chủ đề như cây cối, động vật, con người, các nhân vật hoạt hình… một cách sinh động, đầy sức sống. 

Dần dà, ý tưởng độc đáo đã thu hút người dân trong làng tham gia. Họ cùng nhau tô vẽ ngôi làng. Họ vẽ ở bất cứ nơi đâu có thể, từ bức tường của những căn nhà đến bờ rào quanh ngôi làng, ngay cả dưới đường cũng có những bức tranh được vẽ đầy sắc màu.

Cụ Huang Yung-Fu và dân làng đã mất hai năm để hoàn thành các những tác phẩm. Những bức tường xi măng cũ kỹ lần lượt được thay thế bằng những bức tranh độc đáo, rực rỡ bảy sắc cầu vồng. Mỗi con đường, cánh cửa, mỗi góc nhà ở làng là mỗi tác phẩm nghệ thuật.

Đến ngôi làng cầu vồng Đài Loan du khách sẽ ngỡ ngàng như đang lạc vào thế giới cổ tích mộng mơ, một khi bước vào đều không muốn ra. Ngôi làng độc đáo đến mức như có thể đưa du khách vào cõi hư và mặc sức tưởng tượng. Đặc biệt là trẻ con lại càng thích hơn.

Điểm du lịch nổi tiếng Đài Loan

Những bức tranh rực rỡ thoạt nhìn qua, nhiều người sẽ liên tưởng đến nét vẽ của trẻ con với những hình thù bắt mắt và độc đáo, song kỳ thực tác phẩm ở ngôi làng được báo giới thế giới đánh giá cao, thậm chí tranh của ông còn được phân loại vào loại siêu thực.

Dù chỉ là một họa sĩ nghiệp dư nhưng những bức vẽ của ông lập tức thu hút sự chú ý của nhiều người và đặc biệt là các sinh viên mỹ thuật. Họ tới, chụp ảnh các bức vẽ của ông và sử dụng mạng internet để làm cho chúng nổi tiếng. Cũng từ đó, ngôi làng đẹp như cổ tích ở Đài Loan mới được nhiều người biết đến và nổi tiếng như ngày nay.

Mặc dù không có tiện nghi hiện đại hay những công trình hoành tráng xa hoa, cũng không phải chốn bồng lai tiên cảnh, nhưng ngôi làng Cầu Vồng đem lại cho du khách thập phương những cảm nhận về những mảng màu sắc của cuộc sống và những con người bình dị chân chất, lạc quan.

Hàng ngày, cứ vào một khung giờ nhất định, cụ ông Huang Yung-Fu lại đi tô vẽ và chăm sóc cho những bức tranh để chúng không bị xuống màu. Tuy nhiên, ngôi làng này vẫn vấp phải rất nhiều sức ép từ các công ty cũng như chính quyền muốn giải tỏa nó để xây dựng những khu đô thị, nhà cao tầng mới.

Năm 2010, một sinh viên đến từ Đại học Ling Tung tới ngôi làng tham quan và bị cuốn hút bởi sự độc đáo của ngôi làng. Sau đó, nhận thấy ngôi làng cần được bảo vệ khỏi tác động của sự hiện đại hóa, anh cùng nhóm bạn đã tiến hành một chiến dịch gây quỹ mua sơn cho ngôi làng, kêu gọi những tổ chức văn hóa, đồng thời kiến nghị phản đối việc dỡ bỏ ngôi làng. 

“Mọi người từ ngạc nhiên đến cảm động trước niềm đam mê, sự nhiệt huyết của cụ ông Huang Yung-Fu, bởi vậy các sinh viên đã cố gắng giúp đỡ cụ bảo vệ ngôi làng. Khi chiến dịch lan rộng khắp nơi, làng cầu vồng nhanh chóng trở thành vấn đề hệ trọng ở Đài Trung.

Chỉ trong vòng vài tháng, có tới 80.000 email từ công dân yêu cầu chính quyền thành phố bảo tồn ngôi làng này. Cuối cùng đến tháng 10/2010, 11 ngôi nhà, đường phố, vỉa hè… thuộc về ngôi làng được bảo tồn như một công viên công cộng”, ông Andrea Yi-Shan Yang, Tổng thư ký Cục Văn hóa Đài Trung cho hay.

Ngày nay, ngôi làng Cầu Vồng Caihongjuan thuộc 30 trong tổng số 879 làng quân sự xây dựng từ những năm 1980 còn sót lại. Nhiều ngôi làng dành cho các cựu chiến binh đã bị phá bỏ bởi người dân muốn điều kiện sống tốt đẹp hơn. Nhưng cũng có nhiều người tỏ ra nuối tiếc khi ngắm nhìn những biểu tượng của quá khứ dần biến mất.

Hình ảnh về ngôi làng cầu vồng của cụ ông Huang Yung-Fu lan rộng khắp thế giới, lượng khách du lịch tới đây mỗi năm ngày càng tăng lên. Năm 2016, hơn 1,25 triệu người tới Đài Loan ghé thăm ngôi làng màu sắc này.

Nhiều cặp đôi còn lựa chọn điểm đến này là nơi ghi dấu các tấm ảnh cưới chứng minh cho tình yêu của mình. Đi đến bất cứ đâu trong làng, du khách cũng dễ dàng tìm được một góc chụp ưng ý cùng người thân, bạn bè.

 “Khách du lịch là một trong những nguyên nhân để gìn giữ ngôi làng. Chính quyền cũng đã cam kết sẽ gìn giữ và bảo vệ ngôi làng. Tôi thực sự hạnh phúc và cảm kích”, cụ ông Huang Yung-Fu vui mừng nói. 

Từ một ngôi làng cũ kỹ, ẩm ướt, xám xịt, buồn tẻ, nhàm chán, ngày nay ngôi làng Cầu Vồng Caihongjuan lại trở nên rất nổi tiếng bởi những bức tranh tràn ngập ánh sáng, màu sắc và niềm vui.

Đọc thêm