Bất chợt gặp Đông trong một ngày cuối năm 2017 tại Festival Mỹ thuật trẻ, tôi ngạc nhiên khi biết Đông chính là tác giả của bức tranh “Ước muốn được vươn khơi” đang trưng bày tại đó. Bức tranh sơn dầu vẽ bốn đứa trẻ đang quây quần bên một chậu nước, trong chậu nước đầy là một chiếc thuyền đồ chơi đang được một em đẩy lướt. Các em đang rất chăm chú và vui vẻ, hứng thú với trò chơi của mình.
Tác phẩm Ước muốn được vươn khơi |
Có lẽ đây là một góc trong sân nhà một ngư dân vùng biển, và bốn đứa bé chính là những đứa trẻ vùng biển đang mong ước được dong buồm ra khơi, được trở thành những ngư dân đích thực. Bức tranh được vẽ bằng kĩ thuật tốt, màu sắc hài hòa, ánh sáng được diễn tả khéo léo tài tình. Và vẻ đẹp của nó khiến tôi bất ngờ khi biết tác giả tuổi đời còn rất trẻ và thêm nữa, Đông có bề ngoài nhỏ nhắn, gương mặt hiền lành.
Quen Đông từ ngày đó, rồi sau một vài cuộc gặp mặt nữa, tôi hiểu hơn về công việc của Đông. Hiện Đông có một xưởng vẽ ở Minh Khai, Hà Nội, hàng ngày Đông sống và làm việc luôn tại đó. Ngoài một số bức tranh vẽ trẻ thơ như “Tuổi thơ của tôi”, “Ước muốn được vươn khơi”, “Những em nhỏ ở vùng quê nghèo”, “Đợi mẹ”, “Tình bạn”…, Đông được bạn bè biết đến còn nhờ những bức chân dung. Với lối vẽ tả thực, nét cọ của Đông đã lột tả được gương mặt và cả thần thái, tính cách nhân vật.
Họa sĩ Nguyễn Văn Đông |
Có người trêu đùa rằng dường như Đông có biệt tài đoán hiểu được tâm hồn của ai đó chỉ qua việc vẽ lại chân dung họ, mặc dù trước đây chưa gặp lần nào. Việc vẽ chân dung cũng khiến Đông bận rộn, bởi hết người này biết đến người kia được giới thiệu, các đơn đặt vẽ chân dung ngày càng nhiều.
Đông nói với tôi: “Vẽ chân dung không hề đơn giản như một số người nghĩ. Mặc dù có mẫu, nhưng nắm bắt được thần thái của họ là cả một vấn đề. Tuy nhiên việc đó cũng vui lắm vì mỗi lần như vậy, họa sĩ như được làm quen, tiếp cận với một người bạn mới”.
Tác phẩm Chân dung Thái Quỳnh |
Khi tôi hỏi vì sao chọn đề tài trẻ thơ, Nguyễn Văn Đông nói rằng Đông yêu thích trẻ con, mỗi khi nhìn thấy nụ cười của các em là Đông thấy trong lòng mình cũng vui và như được trở lại thời thơ ấu. Vẽ trẻ thơ khó ở chỗ diễn tả được sự hồn nhiên, ngây ngô trên gương mặt các em, nếu không khéo sẽ rất dễ bị già, nhưng Đông chia sẻ rằng cần phải hiểu các em, thậm chí họa sĩ phải biến mình thành một đứa trẻ trong lúc vẽ, thì mới diễn tả đúng được.
Nhưng tôi nghĩ thành công của Đông trong đề tài vẽ trẻ thơ và vẽ chân dung không chỉ đơn giản là việc hóa thân vào nhân vật, mà còn là niềm vui được bày tỏ tình yêu thương của mình, sự trân trọng cùng với đó là sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật nữa. Khi vẽ, Đông đã vẽ bằng tất cả sự trân quý dành cho nhân vật của mình, đó chính là nỗi chia sẻ cảm thông với cô bé đang đợi mẹ, niềm vui với trò chơi và mong ước được làm ngư dân của những cô bé, cậu bé vùng chài, là sự thấu hiểu từng nỗi niềm trên gương mặt nhân vật. Đông đã vẽ bằng tất cả tình yêu của mình, dành cho mọi người và dành cho nghệ thuật.