Hoan hô Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

(PLO) - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, phiên họp thường kỳ đầu tiên kể từ khi Chính phủ mới được kiện toàn, Thủ tướng nêu rõ phương thức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ: Chuyển từ phương thức mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Hoan hô Chính phủ, hoan hô Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Hoan hô Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Vì sao, chúng ta tuyên chiến với “xin – cho” hơn 30 năm nay nhưng không có kết quả. Đơn giản nhất “xin – cho” là hệ quả của một bộ phận cán bộ tham gia điều hành bộ máy thích quyền lực và tham nhũng. Đây cũng là quy luật của “cung - cầu”. Có “cầu” ắt có “cung”, bởi gốc của vấn đề là nguồn lực của đất nước có hạn, trong khi nhu cầu quá lớn.

Để giải đáp “câu hỏi của lòng tin”, chúng ta hãy trả lời tham nhũng ở Việt Nam có mấy loại? Thứ nhất, hối lộ: Hối lộ là cho ai đó một lợi ích nào đó để gây ảnh hưởng lên một quyết định hoặc hành động. 

Thứ hai, gian lận và dối trá: Gian lận và dối trá liên quan đến giấy tờ giả mạo, lừa lọc và bóp méo sự thật về những mục đích cá nhân của họ. 

Thứ ba, chiếm đoạt: Khi một cá nhân dính vào vụ việc chuyển tiền hoặc hàng hóa phi pháp từ nơi này sang nơi khác thì người đó được coi là thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Thứ tư, tham nhũng có hệ thống: Khi tham nhũng không những suy giảm đi mà còn được thừa nhận như “điều tất yếu” và là một phần của thủ tục trong các công việc chung và riêng của một tổ chức và một xã hội thì ta gọi đó là tham nhũng hệ thống. 

Thứ năm, tham nhũng có móc ngoặc: Tham nhũng có móc ngoặc xuất hiện trong các mối quan hệ có từ hai cá nhân trở lên. Nó có thể xảy ra khi bản chất của việc giao dịch là phi pháp hoặc khi một trong các bên muốn dành được phần lợi nhiều nhất so với các bên khác. 

Thứ sáu, tống tiền: Sử dụng vũ lực, hăm dọa, đe dọa đến một cá nhân hoặc một tổ chức để có được sự bảo hộ, thiên vị hoặc lợi ích từ đối thủ của mình. 

Thứ bảy, lạm dụng quyền hạn: Một vài cá nhân có thể lạm dụng quyền hạn được giao để phục vụ cho mục đích cá nhân. Tham nhũng dạng này còn bao gồm dung túng và thiên vị.

Xin thưa, “xin – cho” còn tồn tại, dù chúng ta đã “tuyên chiến” hơn 30 năm qua. Có chống được điều này không? Vô cùng khó bởi không quan chức nào dám chống lại chính mình, sự “đầu tư”  của chính mình. Chúng ta đang ở vào thời điểm, lạm phát nghị quyết, pháp luật có, pháp chế cũng có nhưng pháp trị thì không hoặc yếu kém và hình thức, là một thực tế phổ biến hiện nay. Đó thực sự là thách thức gốc rễ của Chính phủ. 

Nếu Chính phủ chuyển sang tư duy “phục vụ”, tức là nhiều người sẽ phải hy sinh “miếng ăn” của mình. Liệu có mấy người dũng cảm?.

Đọc thêm