Trước hiện tượng chưa từng có: cá chết trắng bờ biển một loạt tỉnh miền Trung, liên Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT đã lập các đoàn kiểm tra. Có lẽ đây là tin gây sốc nhất trong những ngày vừa qua.
Ông Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Theo thông tin chúng tôi nắm được, thuỷ hải sản chết tập trung vào thời điểm thuỷ triều lên, thế nên việc không lấy được mẫu nước tại thời điểm đó để quan trắc, xét nghiệm thì khó có thể tìm ra nguyên nhân chính xác. Phải có độc tố gì đó rất mạnh mới làm cá chết nhiều và ảnh hưởng tới nhiều tỉnh như vậy”.
Trước mắt là khổ cho những người ngư dân. Thay vì ra biển đánh cá như mọi ngày, anh Trần Quang Dương ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch đang sửa sang lại phương tiện đánh bắt. “Làm nghề biển mấy chục năm nay nhưng chưa bao giờ tôi thấy cá chết nhiều như thế này. Tôi cũng không đi đánh cá nữa, vì đánh về chẳng ai mua. Không đi biển, tôi cũng không biết làm gì để nuôi sống gia đình” - anh nói với báo chí. Đó thực sự là những giọt nước mắt.
Lâu nay chúng ta cứ quen với suy nghĩ, cứ “đổ” ra biển. Đại dương vốn mênh mông, thủy triều lên xuống nên dẫu hàng trăm con sông đã “chết” thì biển vẫn “sống” vô tư. Nhưng thực sự đã đến lúc biển không còn chịu đựng nổi. Biển đã và sẽ chết vì con người.
Bờ biển nước ta kéo dài trên 3.260km. Biển thực sự là phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, là di sản thiên nhiên của dân tộc, là chỗ dựa tinh thần và vật chất cho người dân Việt Nam hôm nay và mai sau. Tuy nhiên thực trạng về ONMT biển đang là vấn đề báo động đỏ.
Nguyên nhân là gì? Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng ONMT ven biển là hiện tượng nuôi thuỷ sản tràn lan, không có quy hoạch.
Biển và vùng bờ là nơi tập trung sôi động các hoạt động phát triển của con người. Do vậy môi trường biển đang bị sức ép lớn của tăng dân số và nghèo đói, làm suy giảm và suy thoái tài nguyên biển và vùng ven bờ. Nhận thức về môi trường và tài nguyên biển của đại bộ phận dân cư ở đây vẫn còn thấp kém. Hành vi và cách ứng xử của họ với các hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên rất hạn chế, chưa thành thói quen tự giác.
Nguyên nhân cuối cùng là sự chia cắt về quản lý. Biển và vùng bờ biển nước ta là nơi tập trung các hoạt động kinh tế khác nhau, được quản lý theo ngành. Tính toàn vẹn và tính liên kết của các hệ thống tự nhiên vùng bờ bị chia cắt, mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng tài nguyên ngày càng tăng, ảnh hưởng đến tính bền vững của các hoạt động phát triển ở đây.
Điều gì sẽ xảy ra nếu biển chết? Tất nhiên đó sẽ là thảm họa thực sự đối với con người.
Đã đến lúc không thể bàng quan được nữa!