Hoan nghênh Chính phủ Việt Nam có động thái mạnh mẽ bảo vệ động vật hoang dã

(PLVN) - Ngày 23/7, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã (ĐVHD). Có thể nói, đây là lần đầu tiên Chính phủ huy động bộ máy gồm hàng chục Bộ ban ngành vào cuộc để xử lý một vấn đề đã gây nhức nhối và gây quan ngại nhiều năm nay, nhất là gần đây khi đại dịch COVID-19 có bằng chứng lây từ ĐVHD sang người.
Chính phủ Việt Nam sẽ có động thái mạnh mẽ trong việc ngăn chặn các đường dây săn bắt, vận chuyển và tiêu thụ ĐVHD, đặc biệt là các đường dây xuyên biên giới (ảnh minh họa)
Chính phủ Việt Nam sẽ có động thái mạnh mẽ trong việc ngăn chặn các đường dây săn bắt, vận chuyển và tiêu thụ ĐVHD, đặc biệt là các đường dây xuyên biên giới (ảnh minh họa)

Trước đó, vào ngày 2/7, 5 tổ chức xã hội bao gồm Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC), Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển bền vững (LPSD), và Tổ chức Nhân đạo Quốc tế (HSI) Việt Nam đã cùng gửi Thư kiến nghị về việc “Đảm bảo thực hiện tốt hoạt động ban hành Chỉ thị về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã” đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan.

Trong vòng 3 tuần, những ý kiến này, cùng với các ý kiến đóng góp của 14 tổ chức bảo tồn trong một thư ngỏ gửi tới Thủ tướng vào ngày 16/2, cũng như các ý kiến chuyên môn đã được trình bày trong các nghiên cứu khoa học và tại “Toạ đàm về ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và hoàn thiện pháp luật về quản lý động vật hoang dã” tổ chức ngày 27/3, đã được Thủ tướng Chính phủ xem xét nghiêm túc để đưa ra Chỉ thị 29/CT-TTg. 

“Hành động đáng hoan nghênh này cho thấy động thái mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn các đường dây săn bắt, vận chuyển và tiêu thụ ĐVHD, đặc biệt là các đường dây xuyên biên giới”, bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm CHANGE chia sẻ. “Việc ban hành chỉ thị này cho thấy sự quyết liệt đến từ tâm thế và bản lĩnh của Chính phủ Việt Nam, một quốc gia được thế giới thừa nhận trong đại dịch với tuyên ngôn “không ai bị bỏ lại phía sau”, tới nay lại tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ của mình đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc phòng tránh một đại dịch tương tự”.  

Với hành vi buôn bán động vật quý hiếm là 7 cá thể hổ, 3 đối tượng đã bị TAND thành phố Hà Nội tuyên phạt 16 năm tù vào ngày 15/1/2020
Với hành vi buôn bán động vật quý hiếm là 7 cá thể hổ, 3 đối tượng đã bị TAND thành phố Hà Nội tuyên phạt 16 năm tù vào ngày 15/1/2020

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đã gây ra những thiệt hại nặng nề về sinh mạng và tàn phá các nền kinh tế trên toàn thế giới, khi làn sóng kêu gọi chấm dứt hoàn toàn hoạt động mua bán tiêu thụ ĐVHD trên toàn cầu, nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm các loại virus có nguồn gốc từ ĐVHD, ngày càng dâng cao mạnh mẽ, thông tin về chỉ thị của Thủ tướng Việt Nam nhanh chóng được chia sẻ với các cộng đồng và báo chí quốc tế, và đã nhận được những phản hồi tích cực. 

“Tôi chân thành chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã thể hiện vai trò đi đầu, khi ban hành chỉ thị ngăn chặn việc nhập khẩu, đóng cửa tất cả các chợ ĐVHD, và nghiêm cấm triệt để mọi hành vi tiêu thụ, mua bán, quảng cáo ĐVHD, bởi vì điều đó không những sẽ cứu rất nhiều loài hoang dã, mà còn bảo vệ sức khoẻ con người trên toàn cầu. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác tại Việt Nam để hỗ trợ việc thực thi chỉ thị này được thành công", ông John Baker, Giám đốc Chương trình của WildAid vui mừng cho biết khi nghe thông tin này.

Đọc thêm