Hoàn thành sắp xếp lại, xử lý nhà, đất quốc phòng vào 2024

(PLVN) -Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Phan Văn Giang, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đang quyết liệt triển khai sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất quốc phòng; phấn đấu đến hết năm 2024, hoàn chỉnh phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất quốc phòng đối với những cơ sở nhà đất được Bộ Quốc phòng (BQP), địa phương và Bộ Tài chính thống nhất theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP và 67/2021/NĐ-CP.
Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại Hội nghị.
Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại Hội nghị.

Khẩn trương khắc phục những khó khăn, vướng mắc

Theo báo cáo tại Hội nghị Báo cáo kết quả thực hiện sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất quốc phòng theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP và 67/2021/NĐ-CP; do BQP tổ chức ngày 7/9/2023; từ 2010 đến nay, Tổng cục Hậu cần đã chủ động tham mưu, báo cáo Thường vụ Quân ủy Trung ương, BQP chỉ đạo; đồng thời hướng dẫn cơ quan, đơn vị, DN triển khai, thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc tài sản chuyên dùng, tài sản phục vụ công tác quản lý theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg, Nghị định 167/2017/NĐ-CP và 67/2021/NĐ-CP. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động, tích cực rà soát, kiểm tra hiện trạng, kê khai, sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý, báo cáo BQP để lập phương án gửi xin ý kiến UBND các tỉnh, thành và Bộ Tài chính.

Sau khi Nghị định 167/2017/NĐ-CP có hiệu lực, cơ quan thường trực (CQTT) đã tham mưu với thủ trưởng Tổng cục Hậu cần và thủ trưởng BQP ban hành chỉ thị; thành lập Ban Chỉ đạo 167/BQP và kế hoạch triển khai thực hiện trong toàn quân.

Đến 2021, trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị trực thuộc BQP, CQTT đã rà soát, tổng hợp phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất quốc phòng thuộc tài sản chuyên dùng, tài sản phục vụ công tác quản lý trên địa bàn các tỉnh, thành, báo cáo theo phân cấp và gửi xin ý kiến UBND 63 tỉnh, thành. UBND 53 tỉnh, thành đã có văn bản tham gia ý kiến đầy đủ vào các phương án. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản tham gia ý kiến vào các phương án trên địa bàn 46/53 tỉnh, thành nói trên. Với phương án của 17 tỉnh, thành còn lại, CQTT đang tiếp tục rà soát, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan và Bộ Tài chính triển khai thực hiện.

Chủ trì Hội nghị, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng BQP yêu cầu phải khẩn trương khắc phục và thực hiện quyết liệt với những khó khăn, vướng mắc như: Số lượng các điểm đất quốc phòng lớn, phân bố rải rác; nhiều điểm đất do lịch sử tiếp quản, có ranh giới không rõ ràng, hồ sơ không đầy đủ hoặc bị cấp chồng lấn. Các đơn vị rà soát điều chỉnh, bổ sung với phương án tổng thể còn chậm so với thời gian quy định; UBND cấp tỉnh cho ý kiến chậm, cho ý kiến không đầy đủ hoặc không có ý kiến; khu gia đình hình thành trên đất quốc phòng không đúng trình tự, thủ tục, thiếu cơ sở pháp lý…

Cùng với đó, Bộ trưởng BQP lưu ý các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nghị định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công; các chỉ thị của BQP về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất quốc phòng, chủ động đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc về cơ chế để đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định 167/2017/NĐ-CP và 67/2021/NĐ-CP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cơ bản đồng ý với đề xuất về kế hoạch thực hiện của Tổng cục Hậu cần, phấn đấu đến hết 2024, hoàn chỉnh phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất quốc phòng với những cơ sở nhà đất được Bộ Quốc phòng, địa phương và Bộ Tài chính thống nhất. Đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục của các cơ sở nhà, đất còn vướng mắc; năm 2025, tiếp tục thực hiện đối với những cơ sở nhà, đất còn lại.

Khai thông sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất quốc phòng

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Phan Văn Giang giao Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Cục Tác chiến hướng dẫn đơn vị, cập nhật đầy đủ kịp thời các cơ sở nhà, đất quốc phòng vào quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất quốc phòng là tài sản đặc biệt, báo cáo BQP trình Thủ tướng phê duyệt.

Cục Kinh tế (BQP) đẩy nhanh tiến độ rà soát, tổng hợp phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các DN Quân đội thuộc đối tượng thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, sớm báo cáo BQP trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội làm việc với địa phương để giải quyết những khó khăn và chỉ đạo các đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục với các cơ sở nhà, đất còn vướng mắc làm cơ sở lập phương án sắp xếp lại, xử lý; thực hiện xong trong năm 2024, kịp thời báo cáo BQP những nội dung vượt quá thẩm quyền để giải quyết.

Thiếu tướng Trần Đình Thăng, Cục trưởng Cục Kinh tế cho biết, ngày 16/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 59-KL/TW về chủ trương tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng tham gia vào lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Cụ thể hóa Kết luận 59-KL/TW, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 132/2020/QH14, Chính phủ ban hành Nghị quyết 26/2021/NĐ-CP, BQP ban hành Thông tư 58/2021/TT-BQP. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan, đơn vị, DN Quân đội áp dụng trong thực tiễn, góp phần khai thông và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất quốc phòng để vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng vừa kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cơ chế, chính sách thí điểm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế được thực hiện công khai, minh bạch và đang được triển khai rộng khắp trên cả nước, đã tạo được niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội; tạo ra cơ chế phòng ngừa, không để vi phạm, góp phần kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả các sai phạm, tiêu cực, thất thoát, lãng phí...

Việc triển khai các chính sách thí điểm cũng đã giúp BQP từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại các DN thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn làm cơ sở để triển khai thực hiện tốt công tác sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN Quân đội đáp ứng với yêu cầu trong công tác tổ chức lực lượng của Quân đội theo hướng “tinh, gọn, mạnh”.

Đồng thời, đáp ứng yêu cầu đặc thù trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, bảo đảm trực tiếp, thường xuyên cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, vừa dự trữ lâu dài nguồn đất đai phục vụ quốc phòng khi có tình huống xảy ra. Mang lại hiệu quả kinh tế, chống lãng phí nguồn lực của đất nước, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm, góp phần giải quyết chính sách hậu phương Quân đội.

Đọc thêm