Vẫn chống đối ở phút cuối cùng
Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh về vụ việc này, ngày 23/5/2014, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai tổ chức cưỡng chế thi hành án đối với Công ty TNHH Vĩnh Tường. Quyết đinh cưỡng chế và thông báo cưỡng chế thi hành án đã đươc ban hành cách đây đúng 1 tháng.
Để chuẩn bị cho phương án cưỡng chế thi hành bản án theo đúng quy định của pháp luật, Cục Thi hành án dân sự Đồng Nai đã nhiều lần báo cáo Ban Chỉ đạo công tác thi hành án tỉnh Đồng Nai và Tổng Cục thi hành án dân sự Bộ Tư pháp để xin chỉ đạo giải quyết các vướng mắc phát sinh khi cưỡng chế giao tài sản là cơ sở sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác. Trong đó nổi bật là vấn đề giải quyết việc làm hoặc trợ cấp mất việc cho người lao động làm việc tại khách sạn Wooshu và vấn đề xem xét buộc Công ty VĨnh Tường chấm dứt kinh doanh trên tài sản mà Tòa án đã giao cho Công ty VĨnh Thiện Đồng Nai.
Ban Chỉ đạo Công tác thi hành án tỉnh Đồng Nai đã tổ chức họp các ngành có liên quan để thống nhất kế hoạch cưỡng chế thi hành án và giải quyết các vấn đề nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trước ngày cưỡng chế thi hành án, Công ty Vĩnh Tường đã chống đối bằng nhiều cách. Trước đó, khi Cục Thi hành án dân sự Đồng Nai triệu tập bà Linda Tan Woo đến làm việc về việc tự nguyện thi hành ánh thì bà Chủ tịch Công ty Vĩnh Tường đã không đến mà ủy quyền cho một nhân viên đến nhằm gây khó dễ cho công tác thi hành án. Ngày 21/5/2014 khi biết rằng sẽ bị cưỡng chế thi hành án, bà Linda Tan Woo lại hủy bỏ ủy quyền và nộp đơn xin cáo ốm nhằm cản trở kế hoạch cưỡng chế thi hành án của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, khách sạn Wooshu vẫn tiếp tục tiếp nhận khách đến ở cho dù đã có yêu cầu ngừng kinh doanh dịch vụ lưu trú kể từ ngày có thống báo cưỡng chế thi hành án.
Bên cạnh đó, trong thời điểm chuẩn bị cưỡng chế thi hành án, có một số cá nhân đã can thiệp vào việc thi hành án với lý do phía Lãnh sự quán Trung Quốc “công hàm” yêu cầu bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Trung Quốc ở Đồng Nai trong bối cảnh có căng thẳng liên quan đến tình hình biển Đông. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên thì được biết, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc chỉ chuyển “ý kiến xin hoãn thi hành án” của bà Linda Tan Woo đến cơ quan chức năng của Việt Nam. Điều quan trọng hơn nữa là Công ty Vĩnh Tường là doanh nghiệp Việt Nam, không phải là doanh nghiệp Trung Quốc. Do đó, cái gọi là “công hàm” không phải là lý do chính đáng để dừng việc cưỡng chế thi hành án vốn đã được lập kế hoạch 1 tháng trước đây nên Cục Thi hành án dân sự Đồng Nai vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Đọc Quyết định thi hành án |
Thái độ chống đối thi hành án của Công ty Vĩnh Tường còn thể hiện ngay trong buổi cưỡng chế. Sáng ngày 23/5, khi lực lượng thực thi pháp luật có mặt tại khách sạn Wooshu để thực hiện cưỡng chế thi hành án, đại diện của Công ty có mặt nhưng không chịu ký vào biên bản làm việc. Bên cạnh đó, cầu thang thoát hiểm, lối vào của tòa nhà đã bị khóa kín khiến cho lực lượng cưỡng chế phải đợi mất 2 tiếng mới có thể tiếp cận được các tầng và tiến hành kiểm đếm, niêm phong tài sản.
Cơ quan thi hành án tậm tâm thực thi pháp luật
Vụ việc thi hành án đối với Công ty Vĩnh Tường là vụ việc phức tạp do tài sản thi hành án lớn, người phải thi hành án bất hợp tác và tìm mọi lý do để cản trở việc thi hành án. Tuy nhiên, trong buổi làm việc hôm nay và suốt quá trình thực hiện việc thi hành án, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai đã làm việc một cách tận tâm, có trách nhiệm và thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, trong bối cảnh phải chịu sức ép từ phía một số cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai về việc phải dừng thi hành án trong thời điểm “nhạy cảm” này để đợi dịp khác.
Tuy nhiên, do xác định rất rõ ràng việc Công ty Vĩnh Tường có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành án và những lý do nêu ra, kể cả lý do thời “điểm cưỡng chế nhạy cảm” không phải là lý do hợp pháp và chính đáng để dừng việc cưỡng chế thi hành án nên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch cưỡng chế theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo công tác thi hành án tỉnh Đồng Nai. Điều này cho thấy, những người làm công tác thi hành án đã vượt qua nỗi sợ để thực thi nhiệm vụ một cách có trách nhiệm, bảo vệ uy tín của ngành Thi hành án trước nhân dân và thực hiện nghiêm chỉnh nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao.
Theo ghi nhận của phóng viên, từ 6 giờ sáng ngày 23/5, lực lượng tổ chức cưỡng chế thi hành án đã có mặt tại Trụ sở UBND phường Tân Mai để tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Ban Chỉ huy tổ chức cưỡng chế đã họp và thống nhất phương án cưỡng chế để đảm bảo việc cưỡng chế được thực hiện tốt, không để xảy ra sơ suất gì. Đúng 7 giờ sáng, các chấp hành viên được phân thành 20 tổ đã nhận nhiệm vụ kiểm đếm, niêm phong tài sản để thực hiện việc bàn giao cho người được thi hành án.
Theo ông Lâm Xuân Bốn, Quyền Chánh văn phòng, người phát ngôn của Cục Thi hành án dân sự Đồng Nai thì việc cưỡng chế thi hành án đã được thực hiện đúng trình tự, thủ tục mà Luật Thi hành án quy định. Trước khi cưỡng chế, Cục Thi hành án đã thông báo và yêu cầu Công ty Vĩnh Tường di dời tài sản không thuộc đối tượng phải thi hành án. Do vậy, trong buổi cưỡng chế, cơ quan thi hành án sẽ niêm phong và giao những tài sản này cho người được thi hành án quản lý để sau này trả lại cho Công ty Vĩnh Tường. Những tài sản phải thi hành án thì giao luôn cho người được thi hành án. Đối với vấn đề người lao động của Công ty Vĩnh Tường, sau khi giao tài sản cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai, quyền lợi của họ sẽ được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Người lao động sẽ được đảm bảo về quyền lợi
Theo Luật sư Trần Việt Hùng, Văn phòng luật sư Trí Việt thì người lao động làm việc ở khách sạn Wooshu sẽ phải chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty Vĩnh Tường nếu Công ty không bố trí việc làm mới. Họ thuộc đối tượng nhận trợ cấp mất việc theo quy định của Bộ Luật lao động.
Trong trường hợp chủ mới của khách sạn tiếp tục kinh doanh và sử dụng lao động thì người lao động vẫn phải chấm dứt hợp đồng lao động với chủ sử dụng cũ và họ được nhận trợ cấp thôi việc. Như vậy, trong trường hợp nào, người lao động cũng được đảm bảo về quyền lợi. Điều quan trọng là cơ quan có thẩm quyền phải giám sát và yêu cầu Công ty Vĩnh Tường phải thực hiện nghĩa vụ với người lao động theo đúng quy định của pháp luật.