Hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù vì yêu cầu phát triển Thủ đô Hà Nội

(PLVN) -  Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới là yêu cầu cấp thiết.
Ảnh minh họa

Những bước phát triển vượt bậc

Ngày 10/10/1954 đã trở thành một mốc son chói lọi, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô Hà Nội và đất nước. Từ đó đến nay, trải qua 68 năm, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến, tranh thủ thời cơ, vận hội, vượt qua khó khăn, thách thức để vươn lên mạnh mẽ, luôn xứng đáng với vị trí, vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Giai đoạn 2011 - 2020, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng khá, đạt bình quân 6,83%/năm; GRDP/người năm 2020 đạt 5.325 USD, gấp 2,3 lần năm 2010. Quy mô, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Sự nghiệp văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, công tác bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả tích cực; chất lượng cuộc sống của nhân dân không ngừng được nâng lên; diện mạo của Thủ đô có nhiều đổi thay, văn minh, hiện đại hơn. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững.

Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng GRDP của TP vẫn tăng 2,92%. Bước sang năm 2022, sau khi chuyển sang thích ứng với dịch COVID-19, kinh tế Thủ đô đã đạt được mức tăng trưởng khá; các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh. GRDP quý III/2022 tăng 15,71% và lũy kế 9 tháng đầu năm tăng 9,69%, là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây…

Tạo cơ chế, chính sách đặc biệt

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ mục tiêu, đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là TP “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là TP kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Hướng tới mục tiêu này, Nghị quyết đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới. “Trên cơ sở tổng kết, bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô, khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô; xác lập rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội”, Nghị quyết nêu rõ.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Đảng đoàn Quốc hội (QH) đã ban hành Kế hoạch nhằm thể chế hóa kịp thời, đúng đắn và đầy đủ các chủ trương, yêu cầu được nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW; đồng thời đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu, rà soát, tổng kết việc thi hành Luật Thủ đô và các luật, nghị quyết có liên quan, đề xuất nội dung sửa đổi Luật Thủ đô…

Thời gian qua, UBND TP Hà Nội cũng đã tích cực phối hợp Bộ Tư pháp chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), kịp thời báo cáo Chính phủ trình QH; đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH. Cùng với đó, tiến hành tổ chức tổng kết việc thi hành Luật Thủ đô; khảo sát tại một số địa phương; tổ chức các hội thảo, tọa đàm xin ý kiến các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến chính sách lớn đưa vào sửa đổi luật.

Việc cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 15-NQ/TW theo hướng kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những bất cập, hạn chế đã được xác định qua thực tiễn triển khai Luật Thủ đô năm 2012, đồng thời bổ sung các cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù sẽ góp phần hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế trong thời gian tới.

Đọc thêm