Tại phiên họp, Bộ trưởng Lê Thành Long (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang) nhấn mạnh, đây là một dự án Luật rất khó, ở chỗ “đụng” đến tiền, phải xử lý một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn vừa qua, từ ngân hàng 0 đồng đến xử lý các khoản nợ lớn của các ngân hàng, tổ chức; đảm bảo sự vận hành của hệ thống ngân hàng theo cơ chế thị trường nhưng kịp thời có sự can thiệp của quản lý của nhà nước trong trường hợp cần.
Bộ trưởng Lê Thành Long bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật. Liên quan đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, theo Bộ trưởng, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật mở rộng phạm vi theo hướng bao quát, toàn diện hơn và đặc biệt là xử lý nhóm nội dung về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.
Tuy nhiên, trong cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế, có một số ý kiến đề nghị tiếp tục mở rộng đối tượng áp dụng để thúc đẩy thị trường mua, bán nợ công khai, minh bạch, phát triển hiệu quả, góp phần khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.
Cơ bản đồng ý với đề nghị nêu trên nhưng Bộ trưởng cho rằng việc mở rộng như vậy phải kèm theo một số điều kiện. Theo đó, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, Luật Đầu tư năm 2020 không coi hoạt động kinh doanh mua bán nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. “Hoạt động của các tổ chức, đặc biệt là việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cần được đánh giá kỹ tác động, nhất là liên quan đến bảo đảm trật tự an toàn xã hội và tính an toàn của hệ thống”, Bộ trưởng nói.
Về tài chính, hạch toán, báo cáo, nhấn mạnh vấn đề hoàn thiện cơ chế pháp lý về quy trình, thủ tục giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, giám sát là hết sức quan trọng nhưng không phải chỉ có giám sát của các cơ quan nhà nước.
“Giám sát phải sử dụng cả nguyên tắc của thị trường, đặc biệt là liên quan đến các hoạt động trao đổi, sở hữu chéo với nhau giữa các tổ chức tín dụng. Đây là vấn đề hết sức quan trọng mà nếu chúng ta không gỡ được thì rất khó để sau này giám sát. Do đó, tôi đề nghị chúng ta chúng ta có sự nghiên cứu về thực tiễn để quy định một cách hiệu quả”, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu quan điểm.
Về quy định về can thiệp sớm, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay, dự thảo Luật quy định bổ sung khá nhiều các nội dung mới so với Luật hiện hành về các biện pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy những biện pháp can thiệp sớm. “Hai biện pháp này khác nhau về cấp độ, từ xác định rõ khác nhau về cấp độ, chúng ta mới xác định các biện pháp can thiệp sớm. Đụng đến đây là đụng đến tiền, thậm chí hàng ngàn tỷ”, Bộ trưởng nói và đề nghị phân biệt rạch ròi sự khác nhau giữa các biện pháp này để quy định các giải pháp phù hợp.
Phát biểu tại phiên họp, Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) đề nghị cân nhắc, quy định tách bạch giữa chức năng đầu tư với chức năng thương mại của tổ chức tín dụng ngân hàng bởi một số ngân hàng hiện sử dụng nguồn tiền từ việc gửi để đi đầu tư, đặc biệt là những lĩnh vực có rủi ro như bất động sản, chứng khoán.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị trong quá trình sửa đổi Luật, cần bổ sung quy định đảm bảo minh bạch, công khai về hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng. Bởi, theo đại biểu, cử tri băn khoăn về việc khi thực hiện vay ở các ngân hàng bị nhân viên ngân hàng yêu cầu mua bảo hiểm mới được giải ngân, hỗ trợ.
Thêm vào đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định phạm vi cung cấp thông tin khách hàng cho các cơ quan kiểm tra, thanh tra để đảm bảo thuận lợi cho quá trình thực hiện, đồng thời đảm bảo thực hiện đúng quy định về bảo vệ thông tin cá nhân.
Cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), liên quan đến quy hoạch về tài nguyên nước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, dự thảo Luật quy định rất nhiều nội dung về quy hoạch nhưng một số nội dung đã được đề cập trong Luật Quy hoạch, đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch. Do vậy, cần rà soát rất kỹ để tránh nhầm lẫn, lược bỏ những quy định đã được nêu tại các luật trên.
Về chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, đánh giá đây là vấn đề khó khăn nhất vì theo nguyên tắc quản lý nước là quản lý theo lưu vực, tức là quản lý tổng hợp, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị phân định rõ chức năng quản lý của các bộ, ngành; cụ thể là phân định trách nhiệm của chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng. Bộ trưởng cũng đề nghị quy định rà soát, quy định kỹ về điều khoản thi hành, để đảm bảo đủ thời gian thực hiện chuyển tiếp, tránh xung đột pháp luật.