Hoàn thiện hành lang pháp lý khơi thông nguồn vốn tín dụng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với tổng số chưa đầy 600 ngàn tỷ đồng tín dụng xanh được các ngân hàng cung cấp đến nay, có thể thấy nguồn vốn xanh đầy tiềm năng này vẫn chưa hoàn toàn được khơi thông…
Hoàn thiện hành lang pháp lý khơi thông nguồn vốn tín dụng xanh

Cần nguồn vốn khổng lồ để thực hiện mục tiêu xanh hóa

Thông tin tại Hội thảo “Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh (TDX)” do báo Đầu tư tổ chức sáng 4/12 cho biết, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), Việt Nam sẽ cần khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng "0". Trong đó, hành trình khử cacbon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực.

Các quy định của NHNN về TDX: Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng TDX và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam và Thông tư 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Tuy nhiên, khu vực công không thể đáp ứng đủ con số đó. Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát thải ròng bằng 0 trong giai đoạn 2021-2050, Việt Nam sẽ cần huy động thêm 144 tỷ USD ngoài nguồn ngân sách nhà nước, tương đương với 2,2% GDP.

“Với một quốc gia đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, có thu nhập trung bình thấp, việc huy động nguồn lực lớn như vậy là một bài toán không đơn giản. Trong bối cảnh đó, tài chính xanh là một trong những lời giải, và TDX là một chìa khóa…”- ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập báo Đầu tư nhấn mạnh.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập báo Đầu tư phát biểu tại Hội thảo.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập báo Đầu tư phát biểu tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam lưu ý, là một quốc gia đang phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng, đồng thời phải đối mặt với những áp lực lớn từ thiên tai, ô nhiễm môi trường (không khí, nguồn nước) và biến đổi khí hậu, Việt Nam cần lượng vốn lớn đầu tư vào các lĩnh vực xanh, như: năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, xử lý chất thải…

“Ước tính gần đây của IFC cho rằng đầu tư cho các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể lên tới 757 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, nguồn vốn TDX từ các tổ chức quốc tế đóng vai trò tạo đà cho phát triển thị trường.” - ông Hùng thông tin.

Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB

Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB

Dư nợ tín dụng xanh mới chiếm 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế

Là ngân hàng chủ lực trong triển khai TDX, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT(Agribank) cho biết, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt trên 30.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này, dư nợ đạt 2.000 tỷ đồng với hơn 300 khách hàng (trong đó, hơn 98% khách hàng là cá nhân, chủ trang trại, tổ hợp tác...).

“Từ nguồn vốn tài trợ của Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang hình thành trên khắp mọi vùng, miền của đất nước, như mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hòa), ngô (Sơn La)…, tạo được sự đồng thuận cao giữa DN và người dân…” - đại diện Agribank chia sẻ.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết, giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến 30/9/2023, dư nợ cấp TDX đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Trong số 12 lĩnh vực xanh NHNN hướng dẫn các TCTD cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%). Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2,67 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank

Mặc dù có mức tăng trưởng hơn 23% song theo các chuyên gia, với tổng số chưa đầy 600 ngàn tỷ đồng TDX được các ngân hàng cung cấp đến nay, có thể thấy nguồn vốn xanh đầy tiềm năng này vẫn chưa hoàn toàn được khơi thông.

“Một nguồn lực lớn vẫn đang chực chờ không chỉ tại các ngân hàng trong nước mà còn từ các đối tác bên ngoài hiện cũng đang tỏ rõ sự quan tâm cao đối với các cơ hội mở ra từ quá trình xanh hóa tại Việt Nam…”- Tổng biên tập báo Đầu tư phát biểu.

Khung pháp lý chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn

“Nhu cầu với nguồn vốn TDX của Việt Nam là rất rõ ràng, nhưng cũng phải nói thêm là mức cầu này cũng phụ thuộc vào độ hấp dẫn của TDX…” - ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia ADB thẳng thắn.

Theo chuyên gia ADB, mặc dù các nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho TDX đã và đang được thực hiện tích cực, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp tạo nguồn vốn TDX nhưng, khung pháp lý chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa có nhiều động lực thúc đẩy sự phát triển của TDX, các sản phẩm của TDX còn khá hạn chế…

Đại diện Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN quả quyết, để TDX phát triển cần tiếp hoàn thiện hành lang pháp lý .

“Nói gì thì nói, các TCTD cần phải biết dự án đó có “xanh” hay không? Do đó cần thiết phải có hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các TCTD có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp TDX…” - bà Tùng đề xuất.

Bàn giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng xanh
Bàn giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng xanh

Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn TDX..

Đặc biệt, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh….

Đọc thêm