Xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Hoàn thiện những giải pháp trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

(PLVN) - Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ ta. Triển khai tốt nhiệm vụ này, thời gian qua, Trung ương đã đề ra nhiều biện pháp quyết liệt với quyết tâm sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến về chất trong thời gian tới.
Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục nghiên cứu, thảo luận về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục nghiên cứu, thảo luận về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Kế thừa và phát triển mới

Tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đang diễn ra, một trong hai nhóm vấn đề lớn, quan trọng được Hội nghị nghiên cứu, thảo luận là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Như vậy, trong 3 khoá liên tục, sau khi kiện toàn công tác tổ chức và nhân sự, Đại hội XI, XII, XIII đều chọn Hội nghị Trung ương 4 là Hội nghị đầu mỗi khoá để bàn về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. “Điều đó hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Mỗi Hội nghị đều có sự kế thừa và phát triển mới”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh. Đặc biệt, Tổng Bí thư nêu rõ, cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải tích cực phòng ngừa và chủ động, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...

Thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong những năm qua, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu, được toàn Đảng, toàn dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn. Bởi vậy, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Để thể chế hoá, cụ thể hoá và thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội XIII của Đảng đề ra, các bộ, ngành và các cơ quan chức năng đã xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động, nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Đại hội. Ngoài ra, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều Quy định, Chỉ thị, Kết luận… liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực…

Cụ thể, ngày 22/9 vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận 14 khẳng định, để thực hiện thành công đường lối đổi mới và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…, cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Trước đó, phát biểu tại hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng (diễn ra ngày 15/9), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, bên cạnh việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung thì đồng thời phải có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân.

Ngoài ra, để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 22-QĐ/TW (ngày 28/7/2021), về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, trong đó bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung quan trọng nhằm cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, Quy định 22 nêu rõ: Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy; phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung... Đồng thời, “Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, không có ngoại lệ”.

Những giải pháp đồng bộ và kiên quyết

Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), gần đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác PCTN. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình…

Phát biểu tại nhiều cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đấu tranh PCTN đã trở thành yêu cầu cấp bách, nhiệm vụ thường xuyên, trở thành xu thế tất yếu, không làm không được. Thực tế cũng cho thấy trong quá trình đấu tranh PCTN luôn nảy sinh những vấn đề mới, những yếu tố bất ngờ, vì vậy Ban Chỉ đạo phải chỉ đạo để làm những vụ án trọng điểm, những vụ án lớn, có tác động sâu rộng tới toàn xã hội, với tinh thần làm để răn đe, cảnh tỉnh, làm để các cơ quan, Bộ ngành, địa phương làm theo.

Trước những đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, vừa qua, Bộ Chính trị cũng ban hành Quy định số 32-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực. So với quy định cũ, Quy định 32 đã bổ sung thêm nhiệm vụ “chống tiêu cực” cho Ban Chỉ đạo. Theo đó, ngoài chỉ đạo công tác PCTN, Ban Chỉ đạo còn có nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực; trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị cả nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiếm có thời kỳ nào mà chỉ trong một thời gian ngắn, các văn bản của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được hoàn thiện, bổ sung và ban hành mới nhiều như trong thời gian vừa qua. Điều đó phản ánh sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ta và sự quyết tâm chính trị cao của các cơ quan tham mưu của Đảng, góp phần tạo nên hệ thống các văn bản tương đối hoàn thiện, đồng bộ, có vai trò quan trọng trong việc khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý; tạo nền tảng pháp lý vững chắc để các cán bộ “không thể, không dám, không muốn tham nhũng”.

Đọc thêm