Hội thảo được chủ trì bởi ông Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ VHTT&DL; ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam và ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.
![]() |
Quang cảnh Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về báo chí hiện hành.
Cùng với đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí nhằm điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí phù hợp trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển trong kỷ nguyên số.
![]() |
Ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu khai mạc. |
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận 3 nội dung: Xây dựng mô hình tổ hợp báo chí hiệu quả và bền vững trong bối cảnh tinh gọn cơ quan, tham khảo kinh nghiệm quốc tế; Khai thác liên kết với các nguồn lực xã hội để phát triển hoạt động báo chí và hoàn thiện khung pháp lý giúp cơ quan báo chí cạnh tranh thông tin, định hướng dư luận trên không gian mạng trước áp lực từ mạng xã hội và các nền tảng xuyên biên giới.
Ông Phan Xuân Thuỷ bày tỏ mong muốn Hội thảo sẽ nhận được sự đóng góp ý kiến của các quý vị đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển trong kỷ nguyên số.
Tại Hội thảo, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí đã trình bày các nội dung chính của dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Đáng chú ý, mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông đa phương tiện chủ lực được đề xuất chính thức đưa vào luật. Theo mô hình này, một tổ hợp có thể bao gồm nhiều đơn vị trực thuộc, vận hành theo cơ chế tài chính doanh nghiệp, có thể thành lập hoặc góp vốn vào doanh nghiệp báo chí.
Bên cạnh đó, để kiểm soát nội dung báo chí trên mạng, dự thảo yêu cầu các kênh nội dung sử dụng mạng xã hội và ứng dụng Internet phải đăng ký với cơ quan quản lý, tuân thủ các quy định về an ninh mạng và cam kết quốc tế…
![]() |
TS Lê Hải, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử phát biểu tham luận tại hội thảo. |
Chia sẻ tại hội thảo, TS Lê Hải, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử đã giới thiệu mô hình tổ hợp báo chí tại Trung Quốc, nơi báo chí vẫn là đơn vị sự nghiệp công lập nhưng vận hành theo cơ chế doanh nghiệp.
Theo ông Hải, nhiều tập đoàn truyền thông ở Trung Quốc được hình thành thông qua các quyết định hành chính sáp nhập, hoạt động đa ngành trong lĩnh vực truyền thông với báo chí là trung tâm. Họ áp dụng mức thuế ưu đãi 10% cho toàn ngành báo chí...
Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn trong nước, các chuyên gia đều khẳng định, việc sửa đổi Luật Báo chí là bước đi cần thiết để báo chí Việt Nam có thể phát triển bền vững, giữ vững vai trò định hướng và dẫn dắt thông tin trong thời đại công nghệ số.