Luật 1, Nghị định 10, thông tư 100…
Chia sẻ về thực trạng pháp luật kinh doanh hiện nay, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, chất lượng văn bản pháp luật rất quan trọng, có tác động ngày càng lớn tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và người dân.
Theo ông Tuấn, có 10 tiêu chí để đánh giá một văn bản pháp luật tốt là: Sự cần thiết, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi, tính minh bạch, chi phí tuân thủ thấp, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh, giảm nguy cơ nhũng nhiễu, đủ tính tiên liệu. Trong đó, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi và tính minh bạch là những yếu tố vô cùng quan trọng.
Với các tiêu chí này, theo Trưởng ban pháp chế VCCI, pháp luật Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để tốt hơn.
Khảo sát của VCCI cũng cho thấy, trung bình 1 luật có tới 10,5 nghị định, 37 thông tư của các bộ, ngành chưa kể các văn bản chỉ đạo. “Như vậy, quy định từ luật có thể thuận lợi nhưng xuống nghị định, thông tư lại không còn được đảm bảo.”- ông Tuấn lo ngại.
Đặc biệt, Trưởng ban Pháp chế VCCI còn cho rằng, các DN còn bị “ám ảnh” bởi vấn đề hồi tố, khi các quy định áp dụng khác nhau (về áp mã thuế, thuế suất, định giá…), khiến DN có thể bị cơ quan nhà nước yêu cầu nộp lại một khoản tiền lớn… Ngoài ra, với những mô hình kinh doanh mới, Việt Nam còn tương đối lúng túng.
“Khi điều tra PCI, với câu hỏi DN khó khăn gì, thì với nhóm DN nhỏ và vừa, câu trả lời là tiếp cận nguồn lực kinh doanh (vốn, đất đai, thị trường…), nhưng với DN lớn thì khó khăn lớn nhất là rủi ro thay đổi chính sách, thủ tục hành chính. Nên cảm nhận của DN lớn hiện nay là sự ổn định, chắc chắn của văn bản pháp luật…”- ông Tuấn cho hay.
Phân tích tình trạng “Luật 1, Nghị định 10, Thông tư 100”, chưa kể hàng ngàn văn bản điều hành “xin - cho” , TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, Việt Nam vẫn đang điều hành bằng hành chính, không theo chiều ngang nên có cách hiểu khác nhau khiến thanh, kiểm tra DN thế nào cũng có chỗ sai, dẫn tới bất ổn trong kinh doanh rất lớn…
Phải thay đổi tư duy làm luật
Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, quan trọng nhất trong câu chuyện làm luật hiện nay là phải thay đổi tư duy, thay đổi cách thức làm luật, các cơ quan nhà nước phải thật sự quyết tâm để có hệ thống pháp luật kinh doanh thực sự thuận lợi cho DN.
“Các giải pháp xây dựng pháp luật trong thời gian tới cần loại bỏ những quy định không minh bạch, tiếp tục giảm rào cản gia nhập thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, chống lợi ích nhóm, chống chồng chéo pháp luật, tăng cường công khai, lấy ý kiến DN, người dân. Đặc biệt, những văn bản luật có ảnh hưởng rộng rãi như các luật thuế thì không nên làm theo quy trình rút gọn để đảm bảo cho người dân và các đối tượng có liên quan được tham gia góp ý trong quá trình xây dựng văn bản luật…”- ông Tuấn đề xuất.
Nhận xét về cách làm luật hiện nay, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, chúng ta lâu nay vẫn chỉ cắt đi phần ngọn, chưa sửa được gốc rễ vấn đề. “Mà sửa phần ngọn thì sẽ mọc ngọn mới, mọc lá mới, nên về căn bản, chúng ta không giải quyết được những vướng mắc của pháp luật”- TS Cung phân tích.
Nguyên Viện trưởng CIEM cũng thẳng thắn cho rằng, các luật còn chồng chéo nhưng cải cách không nhiều vì đó là những chỗ có rất nhiều quyền lợi. Vì thế, muốn sửa luật thì không nên để từng Bộ sửa mà phải có một nhóm chuyên gia độc lập, phải có sự chỉ đạo của một Phó Thủ tướng thì mới có thể tạo được sự thông thoáng cho hệ thống pháp luật…”.
“Xây dựng pháp luật là phải suy nghĩ 3 lần: suy nghĩ đi, suy nghĩ lại rồi suy nghĩ theo chiều ngang. “Nếu cứ làm ào ào thì sẽ tạo ra nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh”- TS.Cung nhấn mạnh.