Hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự hiện nay- lý luận và thực tiễn

(PLVN) - Trong 02 ngày 09 và 10/6, Trường Đại học Luật, Đại học Huế phối hợp với Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Tula, Liên Bang Nga tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự hiện nay - Lý luận và thực tiễn".
Hội thảo diễn ra trong hai ngày 09 và 10/6 tại trường Đại học Luật, Đại học Huế.
Hội thảo diễn ra trong hai ngày 09 và 10/6 tại trường Đại học Luật, Đại học Huế.

Hội thảo với chủ đề “Hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự hiện nay – Lý luận và thực tiễn” đã thu hút các giáo sư, chuyên gia tham gia, các vấn đề nghiên cứu đa dạng bao gồm: Các vấn đề cấp thiết hiện nay của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự; Xu hướng hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự, điều tra hình sự và giám định tư pháp; Hợp tác quốc tế như một công cụ hữu hiệu để chống tội phạm; Triển vọng cho sự phát triển của ngành tố tụng hình sự, tội phạm học, điều tra tội phạm, giám định tư pháp và hoạt động trinh sát.

Đây là các chủ đề này rất thiết thực, vừa có tính lý luận cao, vừa gắn với thực tiễn, kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới trong đó có CHLB Nga và các quốc gia khác.

Tại Hội thảo, PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế; GS.TS. Kravchenko Oleg Alexandrovich, Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Tula; Gritsaenko Alexander Alexandrovich, Công tố viên Trưởng tỉnh Tula, cố vấn tư pháp cấp cao đã phát biểu và chia sẻ về mục đích, ý nghĩa của hội thảo cũng như tổng quát về các bài báo cáo tham luận sẽ được trình bày.

Theo đó, hội thảo diễn ra trong điều kiện ở Việt nam đang triển khai mạnh mẽ các chuyên đề xây dựng nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cũng như nhằm tham khảo lập pháp trong việc hoàn thiện pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự bảo đảm tính đồng bộ và bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự theo tinh thần Hiến pháp Việt Nam năm 2013 các công ước quốc tế về quyền con người; cũng như các nhu cầu, kinh nghiệm khác về đổi mới thủ tục tư pháp hình sự theo hướng dân chủ, thuận lợi, bình đẳng và bảo vệ tốt nhất quyền con người,..

Hội thảo có 11 bài tham luận được trình bày với các nội dung: Sử dụng công nghệ thông tin hiện đại trong tố tụng hình sự của PGS.TS. Bessonov Alexey Alexandrovich, quyền Hiệu trưởng Học viện Mátxcơva (Ủy ban điều tra Liên bang Nga); Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân trong bảo đảm xét xử công bằng trong tố tụng hình sự ở Việt Nam - TS. Nguyễn Ngọc Kiện, Trưởng khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật, Đại học Huế; Một số luận điểm về vấn đề hình thức điều tra tập thể hoạt động tội phạm xuyên quốc gia có tính chất cực đoan - PGS.TS. Davydov Vladimir Olegovich, Phó giám đốc Công an tỉnh Tula, Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Tula, Liên bang Nga; Khung lý thuyết về nguyên tắc của tố tụng hình sự nhìn từ nguyên tắc suy đoán vô tội - TS Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Pháp luật hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam...

Bế mạc hội thảo, Ban tổ chức Hội thảo đánh giá các mặt tích cực trong hai ngày diễn ra của hội thảo. Đồng thời mong muốn được trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề điều tra hình sự, phòng ngừa tội phạm, hợp tác quốc tế và các vấn đề khác liên quan đến tội phạm trong thời đại công nghệ thông tin, như tội phạm trên không gian mạng và những vấn đề khác. Sau hội thảo, các tác giả tiếp tục hoàn thiện bài viết, tổ chức biên tập, góp ý để xuất bản thành những tư liệu tham khảo hữu ích bằng tiếng Việt và Tiếng Nga.

Đọc thêm