Hoàn thiện pháp luật về tạm hoãn xuất cảnh với người phải thi hành án

(PLVN) -Tạm hoãn xuất cảnh là một biện pháp nhằm đảm bảo thi hành án (THA) và đem lại hiệu quả thiết thực đối với việc thực thi pháp luật nói chung và THA nói riêng. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc hoàn thiện các quy định pháp luật về tạm hoãn xuất cảnh đối với người phải THA trở nên vô cùng cần thiết.
Hoàn thiện pháp luật về tạm hoãn xuất cảnh với người phải thi hành án

Cần hạn chế tình trạng thay đổi người đại diện theo pháp luật

Đối với việc tạm hoãn xuất cảnh của công dân Việt Nam, theo Điều 21, Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ thì một trong những trường hợp công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh là: Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự; đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế… Còn Điều 22 Nghị định này quy định cơ quan THA các cấp có thẩm quyền quyết định chưa cho xuất cảnh đối với các trường hợp này.

Tuy nhiên, Luật THADS hiện nay chưa có quy định về vấn đề tạm hoãn xuất cảnh đối với người phải THA. Còn tại khoản 2 Điều 51 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP chỉ có quy định về các trường hợp người phải THA đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định về tiền, tài sản có thể không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh. 

Do đó, để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và chắc chắn hơn khi thực hiện biện pháp này, cần quy định cụ thể về thời gian áp dụng, đối tượng bị áp dụng, nội dung và cách thức thực hiện việc tạm hoãn xuất cảnh trong Luật THADS.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, đối với cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định thì quy định về tạm hoãn xuất cảnh được áp dụng đối với người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Thực tiễn áp dụng quy định này còn gặp nhiều khó khăn bởi có nhiều trường hợp doanh nghiệp thay đổi người đại diện theo pháp luật, việc cập nhật thông tin không kịp thời, sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng chưa có quy định cụ thể, từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả THA và quyền lợi, nghĩa vụ của đương sự.

Theo các quy định của Luật Doanh nghiệp Thủ trưởng cơ quan THADS không có thẩm quyền ngăn chặn việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mà chỉ có thẩm quyền ban hành quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật. Vì vậy, để thuận lợi hơn cho công tác này, cần bổ sung quy định trong trường hợp doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức là người phải THA thì phải thông báo về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật cho cơ quan THADS ngay từ khi bắt đầu đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật tại cơ quan có thẩm quyền. 

Đồng thời Luật Doanh nghiệp và Luật THADS cũng nên bổ sung quy định hạn chế việc thay đổi người đại diện theo pháp luật trong trường hợp cơ quan, tổ chức đó đang là người phải THA. Đặc biệt là trường hợp người đại diện theo pháp luật của cơ quan tổ chức đó đang bị cơ quan THADS áp dụng các biện pháp thi hành án như: đang có quyết định tạm hoãn xuất cảnh, đang bị áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế… để tránh các hệ quả pháp lý phát sinh, gây ảnh hưởng đến quá trình tổ chức THA.

Chưa rõ về thời gian gia hạn tạm hoãn xuất cảnh

Trường hợp đối với người nước ngoài tại Việt Nam, Điều 28 Luật nhập cảnh, xuất cảnh số 47/2014/QDD13 ngày 16/6/2014 quy định về các trường hợp người nước ngoài có thể bị tạm hoãn xuất cảnh, trong đó người nước ngoài đang có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Hội đồng xử lý cạnh tranh thì có thể bị tạm hoãn xuất cảnh. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh là không quá 3 năm và có thể gia hạn. 

Liên quan tới vấn đề thời hạn không quá 3 năm và có thể gia hạn, thực tế áp dụng đã phát sinh một số bất cập. Cụ thể, việc người phải THA là người nước ngoài, khi Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh mà thời hạn cư trú tại Việt Nam đã hết hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù thì người bị hạn chế xuất cảnh đó phải cư trú tại đâu để bảo đảm cho việc THA là một vấn đề cần quy định rõ ràng trong Luật THADS và Luật xuất cảnh, nhập cảnh. Ngoài ra, trên thực tế có những tình huống phát sinh như người nằm trong diện tạm hoãn, nhưng họ lại mắc bệnh hiểm nghèo, phải đi nước ngoài để chữa bệnh. Vậy những trường hợp như thế thì giải quyết thế nào…?

Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có quy định rõ về thời gian gia hạn tạm hoãn xuất cảnh kể từ ngày nào, dẫn đến tình trạng đến hết thời hạn tạm hoãn xuất cảnh theo quy định, cơ quan THADS không kịp thời gia hạn, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ban hành công văn đề nghị cơ quan THADS có văn bản đề nghị việc có tiếp tục hay không việc gia hạn tạm hoãn xuất cảnh. Trong thời gian chưa nhận được văn bản trả lời của cơ quan THADS cùng với việc đã hết thời gian tạm hoãn xuất cảnh nên người phải THA có thể xuất cảnh, việc này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết việc THA.

Do vậy cần quy định rõ ràng trong Luật THADS và Luật xuất cảnh, nhập cảnh về thời gian gia hạn cụ thể đối với việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người phải THA là người nước ngoài tại Việt Nam. 

Đọc thêm