Xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Hoàn thiện thể chế, chính sách: Bám sát thực tiễn để đổi mới cách làm

(PLVN) -  Để thực hiện thành công ba đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII - nhất là việc hoàn thiện thể chế, chính sách - chúng ta phải bám sát thực tiễn để đổi mới cách làm, từ đó giải quyết dứt điểm những “nút thắt” trong phát triển kinh tế - xã hội, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.
Hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo nguồn lực cho phát triển đất nước.
Hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo nguồn lực cho phát triển đất nước.

Tinh thần trách nhiệm và phương pháp khoa học của Đảng

Trước sự vận động chung của tình hình thế giới, sự thay đổi mạnh mẽ của thực tiễn và những yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta xác định phương hướng phát triển đất nước phải xuất phát từ các điều kiện thực tế. Trong đó, hoàn thiện đồng bộ thể chế là yếu tố vô cùng quan trọng để phá bỏ những “rào cản” trên con đường phát triển và hội nhập. Bởi vậy, đột phá đầu tiên trong ba đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra là “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển”.

Ngoài ra, Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng xác định định hướng thứ nhất là “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường...; tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc”. Có thể nói, lần đầu tiên, vấn đề “thể chế phát triển bền vững” được đặt ra trong một văn kiện Đại hội Đảng. Nếu Đại hội XII chỉ đề cập đến việc hoàn thiện thể chế phát triển của lĩnh vực kinh tế (“Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN”), thì Báo cáo chính trị Đại hội XIII đã nhấn mạnh đến “thể chế phát triển bền vững”, tức là thể chế đảm bảo cho sự vận hành đồng bộ, thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại…

Việc nhấn mạnh và đặt “thể chế phát triển bền vững” là định hướng phát triển đầu tiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng và nói lên nhiều điều. Thứ nhất, nhận thức mới của Đảng ta về ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề này đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Đó chính là điều kiện quyết định để “tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Đây cũng là bài học được rút ra từ thực tiễn lãnh đạo công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong 35 năm thực hiện đường lối đổi mới vừa qua. Điều đó không chỉ cho thấy vai trò, ý nghĩa to lớn của thể chế đối với sự phát triển nói chung mà còn là trách nhiệm to lớn, nặng nề và có ý nghĩa quyết định của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện thể chế.

Thứ hai, thể chế của chúng ta hiện nay còn nhiều hạn chế, tạo ra những vướng mắc, khó khăn cho việc huy động nguồn lực, sức mạnh để phát triển đất nước một cách đồng bộ, bền vững. Việc nhận ra những hạn chế, vướng mắc về thể chế phát triển chính là thể hiện thái độ nghiêm khắc, tinh thần trách nhiệm và phương pháp khoa học của Đảng ta trong lãnh đạo đất nước với tư cách một đảng cầm quyền.

Lấy thực tiễn làm thước đo

Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống, Chính phủ sau khi kiện toàn vào tháng 4/2021 đã bắt tay ngay vào công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách. Cụ thể, ngày 16/4, trong Nghị quyết về phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn, Thủ tướng đã yêu cầu rà soát, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển đất nước.

Tiếp đó, ngày 22/4, Thủ tướng ký văn bản yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… khẩn trương tổ chức rà soát, thống kê các quy định gây mâu thuẫn, chồng chéo đang gây khó khăn, vướng mắc, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân... Trong các cuộc họp sau đó, rất nhiều lần người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt và yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp theo dõi, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc công tác quan trọng này. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là phải kịp thời hơn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo.

“Chúng ta nhận thức đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của các bộ, ngành và để thực hiện ba đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chúng ta thống nhất là phải đổi mới cách làm để kịp thời hơn, chất lượng hơn và để bám sát tình hình của cuộc sống hơn, giải quyết được những nút thắt trong phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và mong đợi của người dân” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua.

Trên tinh thần xuất phát từ thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo, sau hơn ba tháng Chính phủ mới được kiện toàn, qua các nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị… được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành, nhiều vướng mắc hết sức cụ thể trong thực tiễn đã được giải quyết. Điển hình là trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngày 22/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết 79 về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phương tiện phòng chống dịch Covid-19. Nhiều chuyên gia nhận định, khi các quy định hiện hành của pháp luật vẫn còn những điểm chưa rõ ràng, chưa theo kịp thực tiễn thì đây là Nghị quyết quan trọng, cấp thiết, không chỉ tháo gỡ nhiều vướng mắc, lúng túng cho các bộ, ngành, địa phương trong việc mua sắm trang thiết bị trong trường hợp cấp bách mà còn có ý nghĩa quan trọng và quyết định đến việc bảo vệ an toàn tính mạng cho nhân dân.

Đặc biệt, ngay tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc bổ sung vào chương trình Nghị quyết chung của kỳ họp nội dung về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới. Nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất cho rằng, việc làm này của Quốc hội là rất thiết thực và cần thiết; bởi trong cuộc chiến chống Covid-19, chúng ta cũng cần có một hành lang pháp lý cao hơn, chặt chẽ hơn, khẳng định vai trò của Quốc hội trong việc bảo vệ người dân. Có thể nói, bằng các nghị quyết, nghị định, quyết định… Quốc hội và Chính phủ đã và đang từng bước “tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”; coi việc hoàn thiện thể chế là một đột phá chiến lược của đất nước trong giai đoạn phát triển mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đọc thêm